Vì vậy, tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên thị trường đó.
Mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.
Địa chỉ tốt nhất để doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm thông tin về các quy định và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là (các) cơ quan sở hữu trí tuệ của nước đó (ví dụ như tại Mỹ là Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (uspto.gov); Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu (euipo.europa.eu) v.v.).
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu hệ thống pháp luật các nước cũng như các cơ sở dữ liệu toàn cầu về nhãn hiệu, sáng chế v.v. trên trang web của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO: http://www.wipo.int). Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng và cần phải thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia khác nhau thì cần cân nhắc đến các hệ thống đăng ký quốc tế (ví dụ hệ thống PCT đối với sáng chế, hệ thống Madrid đối với nhãn hiệu hay hệ thống La Hay (the Hague) đối với kiểu dáng công nghiệp) để tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Minh Anh