Thông tin tại Hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã triển khai các đợt thanh tra trên 63 tỉnh thành, phát hiện và xử phạt 41 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm tra và phát hiện hơn 68 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt trên 35 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để thực hiện có hiệu quả luật phòng chống tham nhũng, trong ngành Y, trước hết, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Đồng thời, cần phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng. Ngoài ra, để nâng cao cao hiệu quả phòng chống tham nhũng trong ngành y thì việc đầu tiên cần làm chính là xây dựng kế hoạch, cấu hình, giá thành đấu thầu dựa trên tinh thần công khai, minh bạch, lựa chọn những nhà thầu tốt nhất, giá cả hợp lý tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng “đấu thầu có địa chỉ trước, chọn nhà thầu quen”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, hiện Bộ Y tế đã ban hành một loạt thông tư về danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh, phân quyền cho các đơn vị về đấu thầu thuốc. Đồng thời, tổ chức thí điểm hình thức mới trong công tác đấu thầu là đàm phán giá, bắt buộc các thuốc biệt dược, những thuốc đặc biệt phải giảm giá, tránh độc quyền và đưa giá cao.
Nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu dược liệu, hàng lậu thì thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Bộ chủ động triển khai việc thanh tra, kiểm tra các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, mỹ phẩm và dược liệu.
Hội nghị tiếp diễn đến hết ngày 24/8.
Hằng Vương