Kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên có thể được giải trừ chỉ trong một năm? - Ảnh: The Blaze
Phát biểu trên kênh truyền hình CBS News, cố vấn Bolton cho biết Washington đã đề ra một chương trình phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học cùng chương trình tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng sở hữu, trong vòng 1 năm, với điều kiện quốc gia Đông Bắc Á này phải hoàn toàn hợp tác và minh bạch.
“Nếu đã có quyết định chiến lược và họ hợp tác thì chúng ta có thể xúc tiến nhanh”, cố vấn Bolton tuyên bố. Ông cũng khẳng định Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ sớm thảo luận kế hoạch này với phía Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap News cùng kênh MBC của Hàn Quốc đưa tin Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim (một trong những nhân vật quan trọng tham gia đối thoại với Bình Nhưỡng dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore) ngày 1.7 vừa gặp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tại Bàn Môn Điếm. Hai quan chức được cho đã tập trung xây dựng chương trình nghị sự cho chuyến công du Bình Nhưỡng sắp tới của Ngoại trưởng Pompeo.
Một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ phát ngôn lạc quan của cố vấn Bolton. Theo Thomas Countryman, cựu quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Obama: “Khả năng giải trừ hoàn toàn chỉ trong một năm là bất khả thi, và tôi cũng chẳng thấy có bằng chứng nào chứng minh Triều Tiên có quyết tâm giải trừ hoàn toàn”.
Nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker của Đại học Stanford đánh giá phải mất khoảng 10 năm để giải trừ hạt nhân và cơ bản dọn dẹp sạch điểm thử hạt nhân Yongbyon của Bình Nhưỡng.
Giới tình báo Mỹ vẫn không chắc Triều Tiên sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) cho rằng con số này là 50, nhưng một số đơn vị khác nghi ngờ có thể còn có nhiều hơn đang được ở những địa điểm khác nhau.
Nhật Bản hạ mức cảnh báo tên lửa Triều Tiên
Báo The Asahi Shimbun ngày 1.7 dẫn nhiều nguồn tin cho biết Tokyo vừa hạ mức cảnh báo quân sự với tên lửa Triều Tiên. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) ngày 29.6 đã chấm dứt chương trình triển khai thường trực tàu chiến Aegis trên biển Nhật Bản nhằm phát hiện và đánh chặn tên lửa bay tới. Tuy nhiên, các lực lượng nước này vẫn sẽ duy trì tư thế sẵn sàng đánh chặn tên lửa được phát hiện qua hình ảnh vệ tinh.
Theo giới chức quốc phòng Nhật, nước này đang tiếp bước Mỹ đã hạ mức cảnh báo tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thông tin trên xuất hiện trong lúc Nhật Bản đang chịu sức ép phải kiềm chế quan điểm cứng rắn của mình đối với Triều Tiên, do lo sợ bị “gạt ra rìa” những hoạt động đàm phán với Bình Nhưỡng. Vào tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ của ông đã bắt đầu xúc tiến những tiếp xúc ban đầu để tổ chức thượng đỉnh Nhật-Triều.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên mong Trung Quốc bỏ cấm vận
Theo tờ The Yomiuri Shimbun, trong cuộc gặp vào tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp chấm dứt những biện pháp trừng phạt.
Lãnh đạo Trung-Triều gặp nhau 3 lần chỉ trong vòng 3 tháng - Ảnh: Channel News Asia
The Yomiuri Shimbun cho biết nhà lãnh đạo Kim khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra thành công tốt đẹp, vì vậy ông mong muốn Bắc Kinh sớm tiến hành dỡ bỏ trừng phạt để cứu một Triều Tiên đang “bị đau vì cấm vận kinh tế”.
Đáp lại, Chủ tịch Tập tuyên bố ủng hộ Bình Nhưỡng cải cách mở cửa, đồng thời đảm bảo “sẽ làm hết sức” trong các vấn đề liên quan đến chuyện trừng phạt.
Ngoài ra, ông Kim cũng kêu gọi cường quốc láng giềng hỗ trợ Triều Tiên trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Chủ tịch Tập đề nghị Bình Nhưỡng duy trì tham vấn với Bắc Kinh trong suốt quá trình thương lượng với Washington.
Cẩm Bình (theo Reuters, Straits Times, Channel News Asia)