Theo Tổng cục thống kê (Bộ KH&ĐT), tính chung cả năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn DN, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%; số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015.

Năm 2016: Có khoảng 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới - Hình 1

Samsung là một trong những tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong năm 2016 còn có 26.689 DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước; nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn DN.

Điều này cho thấy, khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, DN đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.

Số DN đăng ký thành lập mới trong năm nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng so với năm trước, trong đó một số ngành tăng mạnh cả về số DNvà số vốn đăng ký: Kinh doanh bất động sản tăng 83,9% về số DN và tăng 234,2% về vốn đăng ký; thông tin và truyền thông tăng 9,7% và tăng 128,1%...

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV VN đánh giá, trước những nỗ lực cải cách của Chính phủ, môi trường kinh doanh đối với các DNNVV trong năm 2016 đã tốt hơn so với các năm trước và có nhiều tiến triển tích cực. Minh chứng là số lượng DN thành lập mới trong năm 2016 đã phá kỉ lục, điều này cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là công tác cải cánh thủ tục hành chính đã được cải thiện, đặc biệt là các dịch vụ công, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác hành chính có nhiều tiến triển tốt, góp phần giảm chi phí thời gian trên 60% và chi phí không chính thức khoảng trên 20%.

Để phát huy hiệu quả, ông Nam cho rằng: “Cần tiếp tục ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khó hơn nữa một cách quyết liệt, đảm bảo công khai minh bạch, tạo cơ chế cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ công. Đồng thời, cần tăng cường năng lực thanh tranh, giám sát, đồng thời đưa CNTT vào giải quyết các thủ tục. Đây là quyết tâm cao cần thực hiện trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, ông Nam kiến nghị, cần sớm thông qua Luật hỗ trợ DNNVV bởi đây là luật có tính tiên phong cao, mang tính đột phá. Về cơ bản, Chính phủ đã trình Quốc hội thống nhất nội dung dự thảo Luật, hy vọng sẽ sớm được thông qua trong năm 2017. Qua đó, thông qua hành lang pháp lý vững chắc cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực của đất nước…

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết, hiện nay, DNNVV VN đang bước vào một giai đoạn trọng yếu trước cánh cửa hội nhập sâu rộng với thế giới. Mặc dù được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng DNNVV hiện nay đang có biểu hiện đuối sức trong quá trình cạnh tranh. Điều DNNVV hiện nay đang cần nhất chính là vốn.

Chính vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích DN tiếp cận vốn vay. Mặt khác, các ngân hàng nên bố trí một khoản cho vay trung – dài hạn đối với các DNNVV. Với những dự án có mức độ rủi ro cao, có thể cho vay với lãi suất cao; còn với những dự án mang tính xã hội, ngân hàng cần xem xét cho vay với mức lãi suất thấp hơn.

Hà Long(T/h)