Số liệu công tác kiểm soát Hải quan năm 2018 cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật Hải quan có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý hơn là trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao.
Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế… Mặt hàng vi phạm đa dạng bao gồm hàng cấm, hàng hóa XNK có điều kiện, hàng sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng…
Cụ thể, từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/12/2018, lực lượng kiểm soát toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan (tăng 9,54%), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ đồng (tăng hơn 115,61%); thu ngân sách đạt 350,966 tỷ đồng (tăng 4, 83%), so với cùng kỳ năm 2017. Cơ quan Hải quan khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ.
Một vụ vận chuyển trái phép vẩy tê tê, vi cá mập do lực lượng Hải quan phát hiện trong tháng 11/2018.
Riêng công tác phòng, chống ma túy, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thuốc gây nghiện hướng thần và XNK tiền chất (tăng 115 vụ, tương đương tăng 113,86% so với cùng kỳ năm 2017.
Lực lượng Hải quan đã thu giữ 54.021,81 gram và 444 bánh Heroin; 128.166, 87 gram, 364.258 viên và 185 túi, gói ma túy tổng họp; 176.176 gram ma túy đá; 104,833 kg cocaine; 2.500 kg lá Khat; 3.800 kg tiền chất…
Năm 2018, ngành Hải quan tập trung cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo kịp thời phân tích thông tin, xác định trọng điểm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Mặt khác, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2018 đã có những sáng tạo tích cực, góp phần dự báo, cảnh báo sát tình hình hoạt động buôn lậu, chủ động phát hiện kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới, các hiện tượng nóng, nổi cộm để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, tập trung đánh đúng, đánh trúng các đối tuợng chủ mưu, cầm đầu.
Hơn nữa, cơ quan Hải quan cũng tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa XNK, phương tiện XNC; tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ Hải quan để chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan.
Đồng thời, chú trọng và chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, đảm bảo xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, thông tin sớm, đồng bộ, từ trong ngành đến ngoài ngành, từ trong nước đến quốc tế, phục vụ hỗ trợ đắc lực, kịp thời, hiệu quả công tác nghiệp vụ.
Trong đó, trên cơ sở các quy chế đã được ký kết giữa các bên, công tác phối hợp giữa lực lượng Hải quan với các lực lượng như Công an Biên phòng, Cảnh sảt biển, Quản Lý thị trường ngày càng hiệu quả, có chiều sâu.
Hải Nam