Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2018.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hàng được đầu tư nhiều nhất trong năm 2019

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hàng được đầu tư nhiều nhất trong năm 2019

Trong đó, có 3.883 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 16,75 tỷ USD (bằng 93,2% so cùng kỳ năm 2018). Cả nước có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,8 tỷ USD (bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018). Năm 2019 có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,8% kim ngạch xuất khẩu. Không tính dầu thô là 179,33 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ 2018 và chiếm 68,1% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực này đạt gần 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,4% kim ngạch nhập khẩu.

Trong số 19 ngành, lĩnh vực đầu tư được quan tâm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư.

Địa bàn thu hút nhiều vốn đầu tư nhiều nhất là Hà Nội với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh...              

PV