Xuất khẩu rau quả năm vừa qua giảm mạnh bởi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn giảm mạnh như thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với khoảng 36% tổng giá trị xuất khẩu, giảm gần 10%; chuối chiếm trên 5%, giảm 13%; sầu riêng giảm 56%; vải giảm 22%; dưa hấu giảm 36%…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Ở góc độ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu, giảm khoảng 25% so với năm 2019.

Tuy xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, nhưng xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác vẫn tăng trưởng tốt như Hoa Kỳ tăng khoảng 11%; Thái Lan tăng trên 140%; Hàn Quốc tăng 11%; Nhật Bản tăng 5%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nếu thị trường Trung Quốc có những tín hiệu tích cực hơn cộng với dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn thì mặt hàng rau quả sẽ có những tín hiệu khả quan hơn trong năm 2021. Tình hình xuất khẩu rau quả phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất lớn.

Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả trước mắt vẫn gặp nhiều khó khăn khi mà giá thuê container tăng rất cao, thậm chí tăng từ 2 - 3 lần so với trước đây, khiến mặt hàng này sẽ giảm sự cạnh tranh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu năm 2020 đạt 1,29 tỷ USD, giảm 27,5% so với năm 2019. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.

Minh Đức