Bộ GTVT cho biết, trong năm 2024, bên cạnh 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản sẽ khởi công (gồm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), sẽ có thêm 11 dự án cao tốc do các địa phương chủ quản sẽ hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm này.
Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8 km, điểm đầu kết nối đường Thái Nguyên - Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, H.Chợ Mới; điểm cuối giao QL3B, kết nối dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP. Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ (Cần Thơ) thuộc dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía tây ĐBSCL từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Trong đó, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Tuyến đường dài 51,5 km, hiện tại quy mô 4 làn xe, sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc.
Ngoài ra, trong năm 2024 tới, sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản. Các dự án này, bao gồm:
Đồng Đăng - Trà Lĩnh (75 km, Cao Bằng là cơ quan có thẩm quyền, đang lựa chọn nhà đầu tư);
Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị (dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền, đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi);
Tân Phú - Bảo Lộc (67 km, Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, đang trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi);
Bảo Lộc - Liên Khương (74 km, Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi);
Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình (26 km, Ninh Bình là cơ quan có thẩm quyền, đang lập chủ trương đầu tư);
Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình (61 km, Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
Gia Nghĩa - Chơn Thành (129 km, Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
TP. HCM - Chơn Thành (60 km, Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị trình chủ trương đầu tư);
- TP. HCM - Mộc Bài (65 km, TP. HCM là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình (34 km, Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt nghiên cứu khả thi);
Vành đai 4 TP. HCM (199 km, gồm 5 dự án độc lập, do 5 địa phương là cơ quan có thẩm quyền, 1 dự án qua Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án đang chuẩn bị chủ trương đầu tư, khởi công địa phận Bình Dương trước, tiếp đến trên địa bàn các tỉnh, khoảng 100/199 km).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu, trong năm 2024, sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP. HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1; đồng thời, rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực…
Phát triển đường cao tốc là một trong ba khâu đột phá hạ tầng giao thông, giúp phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, dù mới thành lập hơn 1 năm, trong điều kiện khó khăn về con người và cơ sở vật chất, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, giúp các địa phương hoàn thiện thủ tục khởi công, hoàn thành nhiều dự án đường cao tốc, nổi bật là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa được đưa vào khai thác.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý, Cục Đường cao tốc Việt Nam cần luôn quán triệt tư tưởng này và phải tìm cách để nâng cao chất lượng công việc, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc.
PV(T/h)