Cần nỗ lực cao hơn nữa để quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn được giao
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến được giao tổng nguồn kế hoạch giai đoạn 2021-2025 khoảng 396.435 tỷ đồng.
Trong đó, 295.888 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 81.269 tỷ đồng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; 19.278 tỷ đồng vốn tăng thu ngân sách Trung ương các năm 2021, 2022, 2023.
Đến hết năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch hằng năm 291.922 tỷ đồng, như vậy số kế hoạch đầu tư còn lại 104.513 tỷ đồng.
Triển khai nhiệm vụ này, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đã họp với các chủ đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam để rà soát tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, nhu cầu kế hoạch năm 2025 đề xuất nhu cầu kế hoạch năm 2025 của Bộ khoảng 77.624/104.513 tỷ đồng (tăng khoảng 5.172 tỷ đồng so với báo cáo trước đây).
Năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 59.275 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, nguồn vốn được kéo dài giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng; Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho bộ và bộ tiếp tục đề nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn, bổ sung khoảng 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ GTVT dự kiến khoảng 75.824 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến cả năm 2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 74.680 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch (4.428 tỷ đồng vốn ODA, 70.252 tỷ đồng vốn trong nước). Đến hết tháng 7/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 30.794 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch đã được giao.
Số vốn phải giải ngân các tháng cuối năm còn lớn (45.030 tỷ đồng), trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm... Vụ Kế hoạch đầu tư cho rằng, những khó khăn này sẽ tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024 của cả ngành giao thông.
Do vậy, để đáp ứng mục tiêu giải ngân 100% năm 2024, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư cần nỗ lực cao hơn nữa để quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn được giao. Vụ Kế hoạch-Đầu tư sẽ theo dõi tình hình giải ngân, kịp thời báo cáo Bộ trưởng điều hòa linh hoạt từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao. Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Công ty Thành Trung – Thương hiệu đồng hành cùng những dự án giao thông
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, đầu tư công được xác định là một yếu tố quan trọng, là động lực hàng đầu góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội. Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công được yêu cầu khẩn trương, là nhiệm vụ cấp thiết để dòng tiền sớm đi vào nền kinh tế.
Tại địa phương, vốn đầu tư công là đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện các hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Trong công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tại các địa phương, các chủ đầu tư không chỉ cần lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao mà còn có trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tìm hiều thêm về quá trình thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực ngành giao thông, không thể thiếu những thương hiệu quen thuộc mà Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung là một trong số đó.
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung (Công ty Thành Trung) có địa chỉ tại: Phố 9, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; Người đại diện pháp luật là ông Lê Anh Tú; Thương hiệu Thành Trung đã tham gia 42 gói thầu, trong đó trúng 34 gói, trượt 8 gói, 0 gói chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ.
Một số gói thầu mà Thương hiệu Công ty Thành Trung đã tham gia nhưng có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước thường xuyên dưới 1% như:
Ngày 02/04/2024, ông Trần Văn Vượng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08: Thi công xây dựng đoạn từ Km43 - Km80, Dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 731.225.740.000 VND, giá dự toán gói thầu được duyệt sau khi phê duyệt KHLCNT là 732.319.725.000 VND, gói thầu tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1,1 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,14%.
Trước đó, ngày 08/11/2023, ông Trịnh Tuấn Đông, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD tỉnh Lạng Sơn ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình và đảm bảo an toàn giao thông Dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và Khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 150.185.596.606 VND, giá dự toán gói thầu được duyệt sau khi phê duyệt KHLCNT là 151.166.969.000 VND, gói thầu tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 981 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,6%.
Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông Ninh Bình, đã ký 3 quyết định phê duyệt trúng thầu cho Công ty Thành Trung với tỷ lệ tiết kiệm thấp, điển hình như:
Ngày 24/01/2024, ông Đặng Hữu Trường, Phó giám đốc Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Ninh Bình ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 19: Thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 83.731.726.000 VND, giá dự toán gói thầu được duyệt sau khi phê duyệt KHLCNT là 84.037.579.000 VND, gói thầu “siêu” tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 305 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,36%.
Ngày 23/08/2023, ông Trần Đức Trường, Phó giám đốc Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Ninh Bình ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 11: Thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 91.408.527.000 VND, giá dự toán gói thầu được duyệt sau khi phê duyệt KHLCNT là 91.711.808.000 VND, gói thầu “siêu” tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 303 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,3%.
Ngoài hai gói thầu trên, ngày 22/03/2022 Công ty Thành Trung trúng Gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình (không bao gồm điện chiếu sáng, trạm biến áp, cây xanh, hệ thống ATGT); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 735.391.775.000 VND, giá dự toán 738.047.715.000 VND. Gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước cũng chỉ đạt khoảng 0,4%.
Ngày 20/12/2023, ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Hòa Bình ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc dự án Đường nối từ Quốc lộ 6 đi Độc Lập, Đú Sáng, đường 12B.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 362.255.000.000 VND, giá dự toán gói thầu được duyệt sau khi phê duyệt KHLCNT là 364.007.417.000 VND, gói thầu tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1,7 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,48%.
Ngày 08/09/2022, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 21: Thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước đoạn từ Km37+200 đến Km42+000 thuộc dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL.30 – ĐT.845.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 108.444.296.000 VND, giá gói thầu là 108.815.171.000 VND, gói thầu tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 370 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,3%.
Ngày 08/06/2022, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD Công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 27: Thi công các hạng mục công trình chính từ Km0+000 đến Km7+000 thuộc dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Công ty Thành Trung trúng thầu (liên danh) với giá 508.660.860.000 VND, giá gói thầu là 508.684.130.000 VND, gói thầu tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 23 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,004%.
Được biết, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung từng bị Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang nhắc nhở 4 lần về việc vi phạm hợp đồng liên quan đến tiến độ thi công gói thầu số 21. Đây là gói thầu thi công xây lắp các hạng mục chính từ Km10+200 đến cuối tuyến thuộc dự án Nâng cấp Đường tỉnh 949, huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Việc chậm tiến độ thi công của nhà thầu Thành Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công, khiến Ban Quản lý phải can thiệp.
Ngoài ra, Công ty Thành Trung cũng từng gặp phải các vấn đề tương tự tại những dự án khác. Cụ thể, tại Dự án QL4A, nhà thầu này đã chậm tiến độ và bị cơ quan chức năng xử phạt; năm 2021, Công ty Thành Trung bị UBND tỉnh Gia Lai xử phạt 146 triệu đồng vì vi phạm trong việc khai thác khoáng sản không phép để làm vật liệu xây dựng thông thường...
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên Luật sư Phạm Văn Thảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đối tượng đầu tư công khác. Hoạt động này là hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhờ đầu tư công mà cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế xã hội, đời sống của người dân được nâng cao. Đây là công cụ cần thiết của Nhà nước để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường, là đòn bẩy kinh tế để đầu tư các khu vực còn lại phát huy hiệu quả cao thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, đồng thời phát triển các mặt xã hội mà các thành phần kinh tế tư nhân ít khi tham gia được.
Đấu thầu là một những công việc quan trọng trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư công, việc đấu thầu một cách công khai, minh bạch sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các nhà thầu. Tuy nhiên trên thực tế, có tình trạng nhiều địa phương mở hồ sơ đăng ký đấu thầu dự án nhưng không công bố thông tin rõ ràng, rộng rãi, thay vào đó lại cố tình làm mập mờ thông tin để không nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời tiếp cận. Từ đó, các địa phương dễ dàng phân chia dự án cho những doanh nghiệp thân quen. Thực tế này đang làm sai bản chất của việc đấu thầu, có thể dẫn đến sự thỏa thuận, móc nối giữa địa phương và doanh nghiệp.
Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu nêu rõ:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm trong đấu thầu; thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu, khi phát hiện có dấu hiệu không đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Trong đó, chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp.
Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách…
Việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công sẽ góp phần làm phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại, phục vụ đời sống nhân dân. Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về chất lượng, sản phẩm của các gói thầu và đơn vị cấp vốn thực hiện dự án của thương hiệu Công ty Thành Trung trong bài tiếp theo.
Minh Đức - Trần Mạnh