Ngày 13/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị nghe báo cáo dự thảo Đề án, dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quang cảnh buổi làm việcQuang cảnh buổi làm việc

Theo đó, mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước vào năm 2025; thúc đẩy kinh tế số đóng góp đáng kể vào GRDP và đẩy nhanh xã hội số của tỉnh phát triển bền vững.

Cụ thể, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở bền vững cho hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số; Đề án đề ra 26 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2025 và 10 chỉ tiêu giai đoạn 2025-2030.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được cung cấp trên các phương tiện và nền tảng truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện và xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Duy trì thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 15%; năng suất lao động bình quân trên 13%.

Để đạt được các mục tiêu này, Đề án đề ra 7 giải pháp trọng tâm, trong đó sẽ tập trung chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm môi trường, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thành dự thảo Đề án, dự thảo Nghị quyết để UBND tỉnh báo cáo BTV Tỉnh ủy.

Trong đó cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án, Nghị quyết theo hướng bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu trung bình của cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu, tính toán lại một số chỉ tiêu cho phù hợp tình hình giai đoạn mới.

Về giải pháp thực hiện, cần bổ sung thêm giải pháp về bảo đảm kinh phí hàng năm tối thiểu từ 1% ngân sách Nhà nước dành cho chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số của tỉnh; chính sách thu hút nhân tài về công nghệ thông tin; giải pháp về xây dựng trung tâm thông tin điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh...

Hoan Nguyễn