Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, sau hơn 10 năm đã tầm soát, tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá có chiều hướng gia tăng trong năm 2017. Theo báo cáo, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, diện tích bị nhiễm rầy nâu ở các tỉnh Nam bộ đã lên hơn 50.000 ha. Sang vụ Hè Thu, trên 40.000 ha lúa bị nhiễm rầy và vàng lùn – lùn xoắn lá; trong đó, diện tích bị rầy nâu gây hại là hơn 32.000 ha. Ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh ĐBSCL và một số địa phương ở Đông Nam bộ.
Nông dân Hậu Giang đang vào thời kỳ gieo xạ vụ mới
Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam – Cục Bảo vệ thực vật, nguyên nhân khiến bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá tái bùng phát chủ yếu là do xuống giống lúa Xuân Hè quá sớm trong tháng 2 và kéo dài đến tháng 3. Những diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi được xuống giống trong thời điểm này trùng khớp với rầy di trú rộ cuối vụ Đông Xuân với mật độ khá cao đã được dự báo. Đồng thời, số rầy nâu di trú trong khoảng thời gian này bị nhiễm virus ở tỷ lệ khá cao. Gần đây diện tích gieo trồng giống OM5451 tăng nhanh ở ĐBSCL. Giống này có nguy cơ nhiễm vàng lùn – lùn xoắn lá khá nặng.
Trong các loại dịch hại trên cây lúa, rầy nâu là mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả. Ngoài việc trực tiếp gây hại cho cây lúa, chúng còn là môi giới truyền các bệnh làm giảm năng suất và sản lượng lúa như bệnh lùn xoắn lá, bệnh lúa cỏ và bệnh vàng lùn. “Để quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá thì việc áp dụng công nghệ sinh thái là rất cần thiết. Công nghệ này thực chất là bổ sung thêm một số loại cây có hoa xung quanh bờ ruộng với mục đích thu hút các loài côn trùng có ích đến tiêu diệt dịch hại” – Ông Cường cho biết.
Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phía Nam đã có mô hình công nghệ sinh thái ở một số xã nông thôn mới. Tổng diện tích thực hiện mô hình là gần 16.000 ha với 7.400 lượt hộ nông dân tham gia. Công nghệ sinh thái hay “ruộng lúa – bờ hoa” không phải là mô hình nhằm tăng suất mà chủ yếu hướng đến sản xuất bền vững. Tham gia mô hình, nông dân được nâng cao hiểu biết về canh tác lúa, quản lý dịch hại, thay đổi nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả của thiên địch đối với sâu bệnh, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học. Theo thống kê, mỗi ha lúa áp dụng công nghệ sinh thái cho lợi nhuận tăng 3 triệu đồng so với ruộng không áp dụng.
Trước đó, chiều ngày 4/7, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức khảo sát thực tế tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá đang gây hại trên lúa Thu Đông tại Hậu Giang. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, vụ Thu Đông 2017, nông dân tỉnh này xuống giống hơn 50.000 ha. Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 30 ha bị mất trắng do bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Hoàng Thiện