Trước đó, để việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi, công khai kế hoạch tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chỉ đạo các Phòng GD và ĐT gửi văn bản đến các xã, phường, thị trấn để người dân nắm được chủ trương, kế hoạch, những thay đổi trong công tác tuyển sinh để thực hiện, kiểm tra, giám sát.
Các Phòng GD và ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện tuyển sinh đầu cấp về hình thức tuyển sinh, thời gian, đối tượng, điều kiện xét tuyển, cách thức tổ chức tuyển sinh, việc chia lớp, xếp lớp và phân công giáo viên; tiến hành điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ điều kiện cho học sinh học tập với phương châm hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trên một lớp, bảo đảm chính xác, khách quan.
Riêng đối với tuyển sinh lớp 10, các trường THPT thành lập hội đồng tuyển sinh; công khai các điều kiện giáo dục; tổ chức đăng ký tuyển sinh, thu hồ sơ, phương án tổ chức coi, chấm thi; phương án duyệt trúng tuyển… đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, đúng quy chế.
Công tác tuyển sinh được thực hiện công khai, minh bạch. Sở GD và ĐT bố trí các cuộc kiểm tra đột xuất về công tác tuyển sinh.
Các cháu Trường Mầm non Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng, Nam Định) trong giờ học bảng chữ cái
Các cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non đã huy động 100% trẻ 5 tuổi (diện phổ cập giáo dục) trên địa bàn đến trường. Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, trẻ dưới 5 tuổi được huy động đến các trường, lớp ở các loại hình công lập, tư thục.
Ở khối tiểu học, các trường huy động 100% trẻ 6 tuổi diện phổ cập giáo dục, trong đó chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập (chưa học lớp 1) trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập vào lớp 1.
Riêng ở thành phố Nam Định, Sở GD và ĐT đã hướng dẫn Phòng GD và ĐT thành phố tham mưu UBND thành phố phương án tuyển sinh đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, việc sắp xếp học sinh vào các lớp đầu cấp phải có tiêu chí, phương án rõ ràng và được thống nhất trong Hội đồng trường, công khai tới cha mẹ học sinh.
Hiện tại, toàn tỉnh Nam Định đã tuyển 32.334 học sinh vào học lớp 1 năm học 2023 - 2024.
Các trường THCS đã hoàn thành việc huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trong độ tuổi quy định, có hồ sơ hợp lệ trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập giáo dục vào lớp 6; tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học, không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn; chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập đến trường học.
Toàn tỉnh Nam Định có 38.235 học sinh vào học khối lớp 6, năm học 2023 - 2024.
Ở khối các trường THPT, 57 trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh với tổng số 20.993 học sinh lớp 10; trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 562 học sinh vào 16 lớp 10 (gồm 14 lớp chuyên, 2 lớp không chuyên); 44 trường THPT khối công lập tuyển được 17.647 học sinh, các trường dân lập tuyển 2.784 học sinh.
Năm học 2022 - 2023, phần đông phụ huynh và giáo viên ở khu vực thành phố Nam Định có tâm lý lo học sinh nếu đăng ký thi vào các trường “tốp” đầu có tỷ lệ chọi cao sẽ khó vượt ngưỡng để học tiếp lên THPT nên phần lớn phụ huynh và giáo viên tư vấn cho các em đăng ký thi vào các trường thuộc diện trung bình hoặc tốp dưới, dẫn tới nghịch lý tỷ lệ “chọi” giữa các thí sinh và điểm đầu vào khá cao ở các trường này, trong khi các trường tốp trên điểm chuẩn đầu vào khá thấp như THPT Nguyễn Khuyến 22,50 điểm; THPT Trần Hưng Đạo 26,80 điểm.
Năm nay, Trường THPT Nguyễn Khuyến đã vươn lên đứng đầu tỉnh với mức điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào lớp 10 cao nhất tỉnh với 38,8 điểm;
Xếp thứ 2 là Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) với điểm chuẩn trúng tuyển NV1 là 38,4 điểm;
Đứng thứ 3 là Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) có mức điểm chuẩn NV1 là 38,1 điểm;
Tiếp đó là các Trường: THPT Giao Thủy (Giao Thủy) 36,5 điểm; THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) 35,6 điểm; THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) 34,5 điểm; THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) 34,4 điểm; THPT Giao Thủy B (Giao Thủy) 33,9 điểm...
Một số trường chưa đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển đợt 2 như Trường THPT Nguyễn Trãi (Trực Ninh), Trường THPT Nguyễn Du (Nam Trực); Trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng).
Đặc biệt từ cuối tháng 6/2023, UBND thành phố đã có văn bản gửi Phòng GD và ĐT thành phố yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về GD và ĐT, trong đó nhấn mạnh việc chỉ đạo các CSGD một số nội dung như: khắc phục tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; tăng cường công tác quản lý nhà nước về GD và ĐT công khai minh bạch các tiêu chí chia lớp đầu cấp học để học sinh và cha mẹ học sinh được biết.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng GD và ĐT thành phố đã có công văn gửi trường tiểu học, THCS trên địa bàn yêu cầu không được tổ chức kiểm tra khảo sát chia lớp vào đầu năm học.
Các trường thực hiện nghiêm công tác tuyển sinh đầu cấp theo địa bàn giao phổ cập giáo dục, chỉ nhận và duyệt tuyển sinh đối với những trường hợp theo đúng địa bàn được xác định trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tra theo số định danh cá nhân thông tin về “Nơi ở hiện tại”).
Những trường hợp khi tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa rõ về thông tin “Nơi ở hiện tại” với thực tế, Hội đồng tuyển sinh của trường phối hợp với chính quyền địa phương để xác minh nhằm thực hiện tuyển sinh đúng đối tượng.
Việc sắp xếp học sinh vào các lớp đầu năm học phải tuyệt đối không để nảy sinh tình trạng tâm lý, tư tưởng “chạy” trường, “chạy” lớp gây bức xúc trong dư luận. Sỹ số học sinh đảm bảo cân đối giữa các lớp trong khối.
Hiện tại, các CSGD mầm non trên địa bàn thành phố đã huy động được 100% trẻ 5 tuổi (diện phổ cập giáo dục) trên địa bàn đến trường và huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường, lớp ở các loại hình trường, lớp công lập, tư thục.
Ở khối lớp 1, thành phố đã huy động được 3.925 học sinh vào lớp 1 và chia làm 101 lớp.
Trong đó, riêng các trường Tiểu học: Phạm Hồng Thái tuyển 5 lớp với 175 học sinh; Trần Quốc Toản tuyển 6 lớp với 210 học sinh; Trần Nhân Tông tuyển 6 lớp với 210 học sinh, bằng hình thức xét tuyển, ưu tiên con gia đình diện chính sách (con liệt sỹ, thương bệnh binh; con chiến sỹ đang công tác tại biên giới, hải đảo; ưu tiên những trường hợp trên địa bàn đang quá tải tuyển sinh vào lớp 1).
Đối với lớp 6, toàn thành phố tuyển 4.983 học sinh chia làm 112 lớp, trong đó, riêng Trường THCS Trần Đăng Ninh tuyển 9 lớp với 270 học sinh, theo hình thức kết hợp xét tuyển với khảo sát, kiểm tra, đánh giá năng lực.
Hiện tại toàn tỉnh Nam Định đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới, các nhà trường đang tiến hành rà soát hiện trạng trường lớp để tu sửa, tiến hành tổng vệ sinh, trang trí khuôn viên xanh - sạch - đẹp, kiểm tra trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy đáp ứng nhu cầu cần thiết.
Bên cạnh đó, các trường cũng xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, nhất là đội ngũ triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong năm học này; đồng thời đầu tư mua sắm trang thiết bị học tập và sách giáo khoa mới ở các khối lớp 4, 8, 11.
Đến nay, 100% các trường trên toàn tỉnh Nam Định đã sẵn sàng các điều kiện để bước vào năm học mới.
Theo Báo Nam Định