Làng nghề Tống Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định - nơi làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo như: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn; Tượng Vua Lý Thái Tổ, cao 10,1m, nặng 45 tấn; tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn.., các sản phẩm thủ công tinh xảo của địa phương đã khẳng định giá trị làng nghề truyền thống nhiều năm nay.
Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ còn có tên gọi khác là Lễ hội làng nghề truyền thống xã Yên Xá; Lễ hội đền Tống Xá... là lễ hội truyền thống của cư dân thôn Tống Xá thuộc xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cùng những người con quê hương và khách thập phương có chung niềm tin, tấm lòng tôn vinh, ngưỡng vọng vị Thánh Tổ, thiền sư Nguyễn Minh Không và nghề đúc truyền thống.
Đền thờ Đức Thánh Tổ được khởi dựng từ thời Lý, thế kỷ XII, tọa lạc tại trung tâm làng đúc kim loại Tống Xá. Trải qua thời gian, ảnh hưởng của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, năm 2000 ngôi đền đã được dân làng di chuyển và trùng tu tại vị trí hiện nay với tổng diện tích mặt bằng 2.127 m2.
Năm 1994, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận Đền thờ Đức Thánh Tổ, thôn Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là di tích quốc gia.
Năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận “Lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội nghề đúc kim loại tại Làng Tống Xá là sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng, đánh dấu sự kỳ công và tài năng của người thợ đúc kim loại địa phương. Lễ hội không chỉ là cơ hội để những nghệ nhân giới thiệu và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của mình mà còn là dịp để cộng đồng thể hiện sự tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống. Đúc kim loại không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam.
Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 10/2 đến 12/2 âm lịch), với các tiết mục văn hóa đặc sắc như: Lễ rước kiệu, múa lân, hát chèo, tế lễ quan, vật cầu bùn, leo cột mỡ.., cùng với các trò chơi dân gian truyền thống như đá bóng, cờ tướng tổ tôm, vật cầu bùn, leo cột mỡ. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, doanh nhân, cùng du khách thập phương có dịp trao đổi, học hỏi phát triển nghành nghề. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để quảng bá sản phẩm đúc đồng thủ công truyền thống đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên Nguyễn Sinh Tiến cho biết:
Huyện Ý Yên là vùng đất cổ, được hình thành từ hàng nghìn năm trước - là vùng đất mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của khu vực đồng bằng Sông Hồng. Đặc trưng của huyện là những làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành từ lâu đời; những di tích văn hoá lịch sử của nhiều triều đại.
Toàn huyện hiện có 239 di tích, trong đó 46 di tích đã được xếp hạng gồm: 13 di tích quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh và 193 di tích trong Danh mục kiểm kê; huyện có 7 lễ hội truyền thống, 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại và 2 bảo vật quốc gia.
Lễ hội làng nghề đúc kim loại truyền thống, định kỳ ba năm tổ chức một lần. Đây là dịp quan trọng để địa phương cùng các doanh nghiệp, người dân thể hiện sự tri ân đến cội nguồn tổ nghề; là dịp để nhắc nhở các thế hệ gìn giữ và phát triển nghề, làng nghề và cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng, thể hiện sự thân thiện, mến khách của nhân dân làng nghề.
Trải qua nhiều thăng trầm, hưng thịnh cùng lịch sử, từ những sản phẩm truyền thống, đúc thủ công các đồ dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nghề đúc đã phát triển nhanh chóng, sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực, nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND huyện Ý Yên Nguyễn Sinh Tiến nhấn mạnh: "Với đội ngũ hơn 160 doanh nghiệp, hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh đúc đồng thủ công mỹ nghệ và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất đúc thép, nghề đúc kim loại của Thị trấn Lâm nói riêng và của huyện Ý Yên nói chung đã xây dựng được thương hiệu vững chắc, uy tín, nổi tiếng trên cả nước. Nhiều công trình lớn của Nhà nước, của quốc gia được tạo nên từ những bàn tay, khối óc của những nghệ nhân ưu tú, những người thợ của làng nghề. Đi đến đâu, nhất là tại các công trình tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy các sản phẩm đặc trưng của làng nghề quê hương Ý Yên. Đó là điều rất đáng tự hào, trân trọng để mỗi thế hệ hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát triển, để sống và sống tốt được bằng nghề truyền thống mà cha ông đã để lại".
Nguyệt Ánh