THCL Theo Sở Y tế Nam Định cho biết, đơn vị này đã lập danh sách 70 người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch để theo dõi sức khỏe.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con (trong đó, 8.930 con vịt, 240 con gà).
Người dân tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
Ngay sau khi phát hiện dịch cúm gia cầm, đơn vị đã tăng cường công tác khoanh vùng dịch và phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh đang thuộc diện theo dõi vì chưa qua 21 ngày.
Các cơ sở Y tế ở Nam Định đã lập danh sách 70 người đã tiếp xúc với gia cầm ốm, chết ở các ổ dịch A/H5N1 để theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định. Đến thời điểm này, sức khỏe của 70 người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch hiện vẫn bình thường.
Hiện tại Nam Định chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm liên quan đến gia cầm. Tuy nhiên, Sở Y tế đã gửi công văn tới các địa phương, đơn vị, phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng.
Trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định đã có công văn đề nghị các địa phương, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, Trạm y tế phối hợp với Ban Thú y 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình cúm gia cầm trên địa bàn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đến thời điểm này, tại Nam Định chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm liên quan đến gia cầm.
Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch, ngành y tế Nam Định yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, các phương tiện để ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra.
Theo đó, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ cao liên quan đến gia cầm ốm, chết, xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao liên tục trên 39 độ C; đau đầu, đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho; ho, đau họng; đau nhức cơ bắp. Một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở…sẽ được đưa vào phòng cách ly ở khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện trong tỉnh, sau đó được chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp điều trị.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho hay virus cúm A/H5N1 khi lây nhiễm trên các đàn gia cầm thường gây hiện tượng chết gia cầm hàng loạt nên dễ phát hiện các ổ dịch. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát gần đây, trên các đàn ngan, vịt có hiện tượng nhiễm virus cúm A/H5N1 nhưng không có biểu hiện bệnh. Bệnh do cúm A/H5N1 trên người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%.
Biểu hiện nhiễm cúm A/H5N1
- Sốt trên 38 độ C.
- Các triệu chứng về hô hấp như: Ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái..., có thể có ran khi nghe phổi. Diễn biến nhanh chóng tới suy hô hấp.
- Xuất hiện các triệu chứng tuần hoàn: nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốc.
- Ngoài ra, một số các triệu chứng khác cũng xuất hiện như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, suy đa tạng.
Thêm nữa, với thời tiết thất thường như hiện nay, các bệnh hô hấp, bệnh cúm thường lây lan rất nhanh, người dân cần có ý thức phòng bệnh.
Ngọc Linh