Theo báo cáo tại hội nghị, 7 tháng đầu năm, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, các ngành và các địa phương của tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình tại địa phương, thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong tháng 7, một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: sản lượng thủy sản tăng 6,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,5%; tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 21%; vốn đăng ký doanh nghiệp cao gấp 5 lần so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao thứ 5 trên cả nước.
Các công trình trọng điểm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Văn hóa, xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỉnh tiếp tục giữ vững thành tích trong “top” những tỉnh, thành phố có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước.
Về triển khai hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-Ttg, ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, đến nay, Sở này đã tiếp nhận 14 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đơn vị đang tiếp tục đôn đốc các địa phương. Đồng thời, cơ quan BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH cấp huyện tiến hành rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.405 người sử dụng lao động và 147.920 người lao động, với tổng số tiền hơn 3,46 tỷ đồng. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thẩm định và trình UBND tỉnh hồ sơ hỗ trợ 45 viên chức hoạt động nghệ thuật và 15 hướng dẫn viên du lịch.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, 7 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Làn sóng mới của đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng, tác động trực tiếp đến đà phục hồi của nền kinh tế. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản cao hơn so với cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn một số khó khăn vướng mắc, do đến nay, Chính phủ chưa ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chưa được phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới năm 2021.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư và thi công một số dự án trọng điểm còn chưa đạt yêu cầu như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cụm công nghiệp Thanh Côi, cụm công nghiệp Yên Bằng, tỉnh lộ 485B, tỉnh lộ 488B... vi phạm về quản lý đất đai, quản lý đê điều tại một số nơi vẫn còn xảy ra, việc xử lý các vi phạm còn chậm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phạm Đình Nghị đề nghị các ngành, các địa phương quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ người ngoại tỉnh vào địa bàn. Ngành Y tế tỉnh cần tiếp tục rà soát lại, kịp thời đầu tư bổ sung hệ thống trang thiết bị y tế bảo đảm năng lực phòng chống dịch bệnh; thực hiện hiệu quả lộ trình tiêm vắc xin theo đúng quy định; có phương án huy động lực lượng cán bộ y tế nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, năng lực, các cơ sở y tế tư nhân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch khi cần thiết.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư và thi công các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đẩy mạnh thu ngân sách; quản lý, thực hiện hiệu quả công tác chi ngân sách; ngành Tài chính tham mưu phương án giảm giá nước sạch do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021...
Nguyễn Kiên