Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 20/7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định tổ chức họp về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chủ trì cuộc họp.

hủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp còn có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Trần Lê Đoài; lãnh đạo các Sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương về tình hình dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kết luận:

Những ngày vừa qua, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta diễn biến rất phức tạp nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, trong tỉnh Nam Định đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng, là các trường hợp trở về từ TP. Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, các cấp, các ngành đã tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; chủ động, kịp thời thực hiện chiến lược “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có lây nhiễm thứ phát từ các ca bệnh. Bên cạnh đó, ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội; luôn thường trực nguy cơ cao có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", không được chủ quan, lơ là, song phải bình tĩnh ứng phó với các diễn biến của dịch với cách làm chủ động, sáng tạo, khoa học; đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thường xuyên cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhất là đối với các nơi có nguy cơ cao như: các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, chợ dân sinh, nhà ga, bến xe, trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động...

Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cấp trên kiểm tra cấp dưới; cấp tỉnh kiểm tra cấp huyện, cấp huyện kiểm tra cấp xã; cấp xã kiểm tra các thôn, xóm, tổ dân phố; tổ COVID-19 cộng đồng kiểm tra, giám sát cá nhân, gia đình.

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật, xây dựng phương án, kịch bản phòng chống dịch trên diện rộng với 1.000 ca nhiễm, 5.000 ca nhiễm, 10.000 ca nhiễm; UBND các huyện, thành phố xây dựng kịch bản phòng chống dịch trên địa bàn với các mức độ cao hơn. Đồng thời, chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống của dịch bệnh theo nguyên tắc 4 tại chỗ, trên tinh thần tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng công an cấp xã, các lực lượng chức năng, tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, trưởng thôn (xóm), tổ trưởng tổ dân phố rà soát từng hộ gia đình, yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là khai báo biến động nhân khẩu, kịp thời khai báo y tế đối với các trường hợp người thân từ tỉnh ngoài về địa bàn. UBND các huyện, thành phố tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 27/7/2021.

Việc đón nhận người dân từ các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về địa bàn tỉnh:

 Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố đón nhận người dân về nơi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sàng lọc, phân loại (nếu âm tính và không có yếu tố dịch tễ) thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày kể từ ngày trở về tỉnh, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe theo quy định của ngành y tế và phải thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly tại nhà.

Để giữ vững thành quả phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát dịch từ bên ngoài vào tỉnh, yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cụ thể:

Từ 12h00 ngày 21/7/2021:

Yêu cầu tất cả người vào địa bàn tỉnh (trừ trường hợp công vụ, ngoại giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu. Các trường hợp được vào tỉnh phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với chính quyền địa phương, trên cơ sở đó, ngành Y tế phân loại, sàng lọc để quyết định việc lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với các trường hợp đặc biệt cần vào tỉnh nhưng chưa có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm thì thực hiện Test nhanh tại địa điểm theo quy định. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên bố trí cơ sở y tế gần các chốt kiểm soát để thực hiện xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên theo nhu cầu của người dân khi vào tỉnh.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch để tăng cường kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Đối với công nhân, người lao động làm việc ở tỉnh ngoài đi về trong ngày:

Yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện ký cam kết, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, không tập trung đông người...

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách, quản lý, giám sát chặt chẽ người lao động cư trú tại địa bàn đi ra tỉnh ngoài làm việc; đồng thời cấp giấy xác nhận để đi qua các chốt kiểm soát hàng ngày.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Sở Y tế tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành tiêm vắc xin đợt 3 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai kế hoạch, phương án và chuẩn bị các điều kiện triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng theo Kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ:

Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành được giao nhiệm vụ, các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát đối tượng, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

Phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện.

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh) vào 16h00 hằng ngày.

Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng khi UBND tỉnh ban hành quyết định. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, công khai theo quy định.

Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố bố trí kịp thời nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhất là qua hệ thống loa tuyền thanh của xã, phường, thị trấn và đội thông tin lưu động về tình hình dịch COVID-19, các biện pháp về phòng, chống dịch, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, để người dân Nam Định đang ở trong và ngoài tỉnh hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Hướng dẫn, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc hiếu, việc hỷ, giảm quy mô, không tổ chức tập trung đông người.

Cán bộ, công chức, viên chức không đi ra tỉnh ngoài khi không thực sự cần thiết, trường hợp đi ra tỉnh ngoài phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân không đi ra tỉnh ngoài khi không có việc thực sự cần thiết.

Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này.

Nguyễn Kiên

Bài liên quan

Tin mới

Truy xuất sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng sẽ hạn chế hàng giả, hàng nhái
Truy xuất sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng sẽ hạn chế hàng giả, hàng nhái

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của các doanh nghiệp. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng...

Triệt xóa hai đường dây buôn bán 1,4 tấn pháo nổ trước lễ 30/4
Triệt xóa hai đường dây buôn bán 1,4 tấn pháo nổ trước lễ 30/4

Ngày 26/4, thông tin từ Công an TP. HCM, Công an quận Phú Nhuận và Công an huyện Củ Chi vừa triệt phá 2 đường dây vận chuyển, mua bán hàng cấm là pháo nổ các loại với tổng trọng lượng gần 1,4 tấn.

Phân luồng giao thông ở Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Phân luồng giao thông ở Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội vừa thông báo về phương án phân luồng, tổ chức hướng dẫn giao thông, phục vụ người dân ra vào thành phố dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định lịch sử
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định lịch sử

Quyết định chấp nhận giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên là một bước ngoặt lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân ta.

Giá tiêu hôm nay 27/4: Tăng nhẹ 500 đồng/kg, trong khoảng 96.000 - 97.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 27/4: Tăng nhẹ 500 đồng/kg, trong khoảng 96.000 - 97.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 27/4 tăng nhẹ trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Bất chấp nguồn cung dồi dào trong dân nhưng thị trường trong nước không giảm.

Giá tiêu hôm nay 27/4: Tăng nhẹ 500 đồng/kg, giá tiêu trong khoảng 96.000 - 97.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 27/4: Tăng nhẹ 500 đồng/kg, giá tiêu trong khoảng 96.000 - 97.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 27/4 tăng nhẹ trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Bất chấp nguồn cung dồi dào trong dân nhưng thị trường trong nước không giảm.