LTS: Thành phố Nam Định mở rộng với diện tích hơn 100km2, hội tụ đủ các tiêu chí của một đô thị loại II. Nơi đây tập trung khá nhiều cư dân sinh sống. Chính vì vậy, không ít các cửa hàng lớn, siêu thị xuất hiện nhằm đáp ứng những nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, không ít các cửa hàng, siêu thị lại bày bán các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật về hàng hóa, gây tác động tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng và sự minh bạch của thị trường.

Liên quan đến thực trạng trên, mặc dù Cục QLTT tỉnh Nam Định liên tục triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 và Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn, kèm với đó là các kế hoạch về kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, vấn nạn hàng hóa vi phạm vẫn được bày bán tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Phóng viên tạp chí Thương hiệu và Công luận xin gửi đến Qúy độc giả những ghi nhận về thực trạng hàng hóa trên địa bàn thành phố Nam Định.

“Shop lớn” Hồng Huệ bày bán nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Con phố nhỏ Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) có chiều dài chưa đầy 1km nhưng mật độ người tham gia giao thông rất đông đúc. Nơi đây có một chuỗi cửa hàng mang tên Shop Hồng Huệ được gọi là “thiên đường” mua sắm, bởi chủng loại hàng hóa phong phú từ nội địa đến ngoại nhập, phục vụ đa dạng nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực.

Hai địa điểm mang tên Shop Hồng Huệ đặt trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định
Hai địa điểm mang tên Shop Hồng Huệ đặt trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định

Từ nguồn tin cung cấp về những bất thường liên quan đến hàng hóa đang bày bán tại shop này, trong vai người mua hàng phóng viên (PV) đã mục sở thị các cửa hàng tại đây mới thấy những thông tin trên là hoàn toàn có cơ sở.

Đa dạng sản phẩm nhập ngoại có dấu hiệu không rõ nguồn gốc

Bước vào bên trong Shop Hồng Huệ đặt tại số 321 đường Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định, trước mắt phóng viên là một không gian rộng lớn bày bán hàng nghìn chủng loại sản phẩm, bày bán bắt mắt với giá cả từ vài chục đến hàng trăm nghìn một sản phẩm.

Ngay cửa ra vào là quầy bán bánh kẹo, nhiều mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên bao bì thể hiện các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga,… Nhưng nhiều  sản phẩm này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Giá bán của những sản phẩm này rất đa dạng từ vài nghìn đến vài trăm nghìn một sản phẩm.

Đa dạng các mặt hàng bánh kẹo ngoại nhập không dán tem nhãn phụ tiếng Việt
Đa dạng các mặt hàng bánh kẹo ngoại nhập không dán tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh cắt từ clip

Tại quầy bia rượu, nước giải khát, phóng viên nhận thấy chủ của siêu thị đã bày bán những sản phẩm cao cấp này một cách trang trọng. Cũng ghi nhận tình trạng tương tự như các sản phẩm tại quầy bánh kẹo, trên các chai rượu, nước giải khát thể hiện những sản phẩm đó đến từ Nhật, Trung Quốc,… tuy nhiên những sản phẩm này đều không dán them nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật.

Rượu Trung Quốc, Nhật Bản
Rượu Trung Quốc, Nhật Bản "trắng" thông tin đơn vị nhập khẩu
Nước ngọt Trung Quốc, Hàn Quốc không có rõ thông tin đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào
Nước ngọt Trung Quốc, Hàn Quốc không có rõ thông tin đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào

Ghi nhận tương tự tại quầy hóa mỹ phẩm của địa chỉ này, phóng viên nhận thấy bên cạnh các sản phẩm nội địa, chủ cửa hàng này còn bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại như: xà phòng, kem đánh răng, dầu gội đầu,... Trên bao bì của các sản phẩm này chỉ ghi chữ nước ngoài và cũng không hề có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt thể hiện trên sản phẩm.

Đa dạng các sản phẩm là mặt hàng thiết yếu nhập từ nước ngoài về bày bán. Tuy nhiên đều thiếu thông tin cần thiết theo quy định
Đa dạng các sản phẩm là mặt hàng thiết yếu nhập từ nước ngoài về bày bán. Tuy nhiên đều thiếu thông tin cần thiết theo quy định

Tiếp tục di chuyển đến địa điểm Shop Hồng Huệ đặt tại số 313 Hoàng Văn Thụ, phóng viên nhận thấy tại đây bày bán đa dạng các sản phẩm mỹ phẩm, túi xách thời trang với đủ chủng loại mẫu mã. Nổi bật nhất là quầy mỹ phẩm được ghi dòng chữ rất lớn “Mỹ phẩm xách tay cao cấp”.

Nhiều mặt hàng mỹ phẩm xách tay được bày biện nổi bật tại đây
Nhiều mặt hàng mỹ phẩm xách tay được bày biện nổi bật tại đây
Đa dạng các mặt hàng mỹ phẩm ngoại nhập không tem nhãn phụ tiếng Việt
Đa dạng các mặt hàng mỹ phẩm ngoại nhập không tem nhãn phụ tiếng Việt

Tại đây, hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung có tác dụng làm đẹp mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật, Pháp,Canada,… điều đặc biệt là hầu hết trên bao bì các sản phẩm này đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt, cũng không biết đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào.

Đáng chú ý, tại quầy bày bán túi xách, thắt lưng da, nhiều các mẫu sản phẩm có dấu hiệu nhái thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: LV, Chanel,… giá của những sản phẩm này được bán rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn một sản phẩm. Cũng phải nói thêm rằng những thương hiệu trên đang được pháp luật bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Dây lưng ví da đủ chủng loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Dây lưng ví da đủ chủng loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Những chiếc túi nhái thương hiệu nổi tiếng như thế này cũng chỉ có giá bán vài trăm ngàn đồng
Những chiếc túi nhái thương hiệu nổi tiếng như thế này cũng chỉ có giá bán vài trăm ngàn đồng

Pháp luật quy định những gì?

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Riêng đối với các sản phẩm bia, rượu nhập khẩu, tại Thông tư 160/2013/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước vừa ban hành, Bộ Tài chính nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu khi đưa ra thị trường để tiêu thụ. Theo đó, từ ngày 1/1/2014, các sản phẩm rượu sản xuất trong nước để tiêu thụ, lưu hành trên thị trường và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm.

Đối với các loại rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước thuộc loại phải dán tem nhưng không dán tem; hoặc dán tem không đúng quy định, dán tem giả đều bị coi là hàng hóa vi phạm và bị xử lý theo quy định về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.

Tạp chí Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đoc.

T.A