THCL Cả ngày lẫn đêm, tiếng máy gầm rú của các loại tàu lớn, bé đua nhau hút cát trái phép dưới lòng sông. Dọc tuyến sông Chu, trải dài qua các xã Thiệu Nguyên, Thiệu Thịnh, Thiệu Quang (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) trở thành một “đại công trường” (?!). Hậu quả, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng chảy.

Tình trạng đáng báo động

Sông Chu, một trong những con sông lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, tập trung khối lượng cát rất lớn nên được tỉnh quy hoạch và cấp phép khai thác cho một số mỏ khai thác cát. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều DN, hộ gia đình đã cố tình khai thác cát trái quy định.

Tại khúc sông thuộc xã Thiệu Quang, chúng tôi chứng kiến 2 tàu ngang nhiên đậu giữa lòng sông đang thả vòi hút cát. Đây không phải là địa điểm mỏ khai thác, nhưng các tàu này vẫn thản nhiên “oanh tạc”. Những người có mặt tại đây nói: “Ban ngày còn ít, đêm đến có tới hàng chục tàu, thi nhau hút cát. Chính quyền xã, cứ dẹp được vài hôm thì họ lại xuất hiện”.

Phần đất bãi cỏ ven sông, địa điểm chăn thả hàng trăm con bò của người dân, nhiều chỗ có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì chẳng mấy chốc, xã Thiệu Quang sẽ mất hết đồng cỏ.

Khu vực xã Thiệu Nguyên, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của nạn cát tặc từ nhiều năm qua. Theo người dân địa phương phản ánh, bắt đầu từ 23 giờ đêm đến 8 giờ sáng, hàng loạt tàu cát thi nhau đậu từ lòng sông đến sát bờ để khai thác. Thời điểm nóng, có đến 15 – 20 tàu cùng vào một lúc. Bức xúc trước tình trạng trên, người dân và chính quyền xã đã lập chòi để canh gác. Xung quanh, gạch, đá… được chất thành những đống lớn, mỗi khi các tàu tiến sát bờ hút cát thì người dân sẽ ném để xua đuổi, nhưng cũng không giải quyết triệt để được. Bởi lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép là không nhỏ, các đối tượng này cực kỳ manh động, chúng không ngần ngại kháng cự và liên tục đe dọa những người tham gia canh gác. Ví như trường hợp của gia đình bác N.L đã không ít lần hai cha con bị các đối tượng này đe dọa sẽ dằn mặt nếu can thiệp vào việc làm ăn của chúng. Chỉ mới vài năm, xã Thiệu Nguyên đã mất đi 116,3 ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của gần 200 hộ dân.

Chính quyền xã bất lực

Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân chính là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của xã Thiệu Nguyên, một trong những đơn vị khai thác cát trái phép khiến mất đất nông nghiệp của người dân đó là Công ty CPXD và TM Hưng Đô. DN này được tỉnh cấp phép khai thác mỏ cát số 5 (xã Thiệu Nguyên) từ năm 2009. Nhưng từ năm 2014 – 2015, DN này đã khai thác ra phía bên ngoài các mỏ cho phép, lấn sâu vào khu vực bãi bồi ven sông, gây ra tình trạng sạt lở trên. Cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại với diện tích đất hoa màu bị mất của người dân, nhưng đến này vẫn chưa giải quyết xong. Từ năm 2015, công ty bị tạm dừng khai thác, song vẫn có hiện tượng khai thác lén lút.

Theo ông Vũ Duy Khang, Chủ tịch UBND xã Thiệu Quang, việc xử lý nạn khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn bởi chức năng và quyền hạn của xã có mức độ. “Xã chỉ có chiếc thuyền mua với giá 10 triệu đồng để hoạt động, chở được 4 người, với trang bị này, nó (các đối tượng khai thác cát trái phép) chỉ cần dùng sào đẩy cái chìm luôn”, ông Khang nói.

Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn: Có đúng là cơ quan chức năng địa phương tỏ ra bất lực hay có điều gì chưa rõ ràng liên quan tới hoạt động khai thác cát trái phép?

Nguyễn Thuấn