Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, đặc biệt là trong những lúc kinh tế khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế. Đồng thời, nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ. Những thành quả đạt được đó của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần làm cho diện mạo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, nông nghiệp phát triển chưa ổn định, bền vững, phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển mạnh nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, giải cứu nông sản; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối liên vùng còn rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm thực hiện được "mục tiêu kép" là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản.

Xây dựng các vùng sản xuất an toàn, tập trung

Hiện nay vấn đề quản lý an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng nhằm cung cấp ra thị trường những mặt hàng nông sản được dán tem, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Việc xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại Hà Nội, Thành phố đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên; vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai...

Thời gian tới, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi tập trung, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Hiện nay, việc sản xuất an toàn vẫn còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều; chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều; tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, gây khó khăn cho người dân trong việc mở rộng quy mô sản xuất.

Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn là một trong số những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành.

Ngành NN&PTNT xác định cần nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

Theo các nhà chuyên môn phân tích, để xây dựng được những vùng sản xuất an toàn, tập trung này rất cần sự nỗ lực, chung tay góp sức, đồng thuận từ người dân, kết hợp với việc thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất và sự vào cuộc tích cực của những doanh nghiệp có tâm huyết.

Gắn sản xuất với thị trường

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.

Nhằm đẩy mạnh phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như mở rộng xuất khẩu sản phẩm, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thì các bộ, ngành, địa phương cần tuyên truyền hơn nữa về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản đến với người dân; quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các HTX, nhân dân, doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, chế biến sâu; kết nối doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…

Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã phát triển được 141 chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chiếm 9% tổng số chuỗi của cả nước (cả nước có 1.642 chuỗi).

Trong số các chuỗi Hà Nội đã xây dựng, 59 chuỗi có nguồn gốc động vật và 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người sản xuất và góp phần thiết thực vào phát trển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển, xây dựng liên kết cho 50 chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố; 100% số chủ thể tham gia liên kết chuỗi sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, 100% số liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc (mã QR) nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Theo ý kiến của người tiêu dùng, để nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, không chỉ cần chú trọng chất lượng sản phẩm, mà còn cần chú trọng cách thức bao gói, chất liệu bao gói theo tiêu chí sống “xanh” để bảo vệ môi trường.

Hà Trần