THCL Các nhà lãnh đạo NATO nhất trí triển khai lực lượng đa quốc gia tới các nước Baltic và Ba Lan, đồng thời tăng cường tuần tra trên không và trên biển trong khu vực.
Trong ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh khối hôm 8-7 tại Ba Lan, NATO chính thức quyết định triển khai 4 tiểu đoàn với khoảng 3.000 – 4.000 binh lính đến các nước nêu trên nhằm đối phó với bất cứ hành động quân sự nào của Nga.
Bốn tiểu đoàn sẽ do Đức, Canada, Anh và Mỹ đứng đầu và lần lượt triển khai tại Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan với số lượng mỗi đơn vị từ 800-1.200 người. Các nước khác như Pháp sẽ hỗ trợ binh lính.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) cùng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 8-7. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Các tiểu đoàn được triển khai sẽ rất mạnh và mang tính đa quốc gia. Chúng chứng tỏ quan điểm một đồng minh bị tấn công cũng tức là cả khối bị tấn công”. Theo ông, các tiểu đoàn sẽ được duy trì chừng nào còn cần thiết và không bị giới hạn về thời gian.
Dù vậy, ông Stoltenberg nhấn mạnh bên cạnh việc tăng cường răn đe và phòng thủ, NATO vẫn theo đuổi đối thoại mang tính xây dựng với Nga. Đại sứ các nước Baltic và Ba Lan được giao nhiệm vụ giải thích về quyết định này với Moscow.
Cũng tại hội nghị ngày 8-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước này sẽ triển khai thêm 1.000 binh sĩ và lập một sở chỉ huy riêng tại Ba Lan. Ông khẳng định NATO đã sẵn sàng tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu và Mỹ sẽ là quốc gia dẫn đầu sự hiện diện của NATO tại Ba Lan.
Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm về tình hình Ukraine với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Điện Kremlin cho biết ông Putin yêu cầu 2 nhà lãnh đạo Đức, Pháp gây thêm ức ép để Ukraine trao thêm quyền tự trị cho miền Đông nước này.
Moscow gần đây tuyên bố ý định triển khai tên lửa hạt nhân đến Kaliningrad, vùng đất của Nga nằm kẹp giữa Ba Lan và Lithuania. Hôm 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh sẽ không có chuyện Nga "bỏ qua không có lời đáp trả" đối với kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự tại sườn phía Đông của NATO. Đây cũng là nội dung thảo luận chính của cuộc họp Nga và NATO dự kiến vào ngày 13-7, theo bà Zakharova.
Ông Obama trò chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron tại hội nghị NATO. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày 8 và 9-7. Ngoài mối quan hệ với Nga, hội nghị còn bàn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Thủ tướng sắp ra đi David Cameron khẳng định không có chuyện Anh quay lưng với vấn đề an ninh của châu Âu. Anh là nước có chi tiêu quân sự quân sự lớn nhất châu Âu, tiếp sau là Pháp.
Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng. Đây được xem là lời chỉ trích dành cho Đức, nước chỉ chi hơn 1% GDP cho quân đội. Hiện tại, Pháp đang tham gia chống Hồi giáo cực đoan tại Mali, Trung Phi, Iraq và Syria.
Theo NLĐ