THCL  Nga biến trừng phạt của Mỹ thành ván bài thương lượng và khởi động trước đàm phán, theo đúng phong cách Trump ưa thích.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 12/1 trả lời phỏng vấn trên kênh NTV của Nga cho hay thông tin, Nga đã bắt đầu tiến trình đối thoại với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

"Nga tôn trọng lập trường của bất cứ quốc gia nào và luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận bất cứ quan điểm nào, thậm chí những quan điểm này hoàn toàn trái ngược với chúng tôi.

Tôi tin rằng việc đối thoại giữa Nga với Chính quyền Trump, đã được khởi động, sẽ tiếp tục và với cường độ mạnh hơn, chỉ khi tất các vị trí chủ chốt trong chính quyền phụ trách công tác đối ngoại của Mỹ được hoàn thiện" - Ngoại trưởng Nga khẳng định.

Nga chủ động thương lượng gỡ trừng phạt Mỹ? - Hình 1

Ngoại trưởng Nga bắt đầu tìm cách tiếp cận chính quyền Trump gỡ bỏ trừng phạt.

Cụ thể, các cuộc tiếp xúc diễn ra theo nhiều kênh khác nhau, trong đó có các cuộc điện đàm về những vấn đề phối hợp hành động giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị và quân sự.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng hai bên đang thảo luận về địa điểm và thời gian cuộc tiếp xúc giữa ngoại trưởng hai nước.

Trước đó ngày 10/2, ông Lavrov cũng trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestina thông tin về ý nghĩa trong việc thúc đẩy mạnh quan hệ song phương giữa Nga - Mỹ.

Ngoại trưởng Nga đánh giá, quan hệ Nga- Mỹ có thể mang lại lợi ích cho cả nhân dân Nga và Mỹ đồng thời có ảnh hưởng tích cực tới tình hình thế giới.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về toàn bộ các vấn đề trong quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mỗi bên”, ông Lavrov nói.

Những lời có cánh của Ngoại trưởng Nga cho thấy rõ sách lược ngoại giao của Nga hướng tới Mỹ và tinh thông phong cách của nhà lãnh đạo Nhà Trắng: "Mọi chuyện đều có thể thương lượng", kể cả lệnh trừng phạt.

Sau khi chính quyền của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp các phản đối liên quan tới việc giảm dần và hướng tới gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Nga,  việc Nga chủ động tiến trình đối thoại với Washington là bước đi có lợi cả đôi đường lại vừa khéo léo.

Hồi giữa tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã gợi ý tới việc xóa lệnh trừng phạt Nga.

Khi ấy, ông Donald Trump vẫn là Tổng thống Mỹ đắc cử trả lời phỏng vấn tờ báo The Times of London cho biết sẽ đề xuất chấm dứt lệnh trừng phạt của nước này đối với Nga liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Tới ngày 2/2, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một tuyên bố cho hay, lệnh trừng phạt chống Nga do Tổng thống Barack Obama ban hành hồi năm 2015 và mới được thắt chặt hồi cuối năm ngoái đã được nới lỏng.

Sự nới lỏng biện pháp trừng phạt này sẽ giúp các công ty Mỹ dễ dàng nộp đơn xin phép Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) - tổ chức an ninh kế thừa KGB thời Liên Xô - để bán hàng công nghệ của Mỹ tại Nga.

Cộng đồng tình báo Mỹ và chính phủ của Tổng thống Obama đã cáo buộc FSB là một trong những tổ chức Nga đứng sau chiến dịch tấn công mạng nhằm ảnh hưởng kết quả bầu cử Mỹ.

Song tuyên bố nới lỏng cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ đã nhanh chóng  vấp phải sự chỉ trích đến từ các nghị sĩ đảng Dân chủ.

"Hóa giải biện pháp trừng phạt Nga có thể giúp nước này dùng các thiết bị được nhập khẩu từ Mỹ để tấn công mạng chúng ta một lần nữa", Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Eric Salwell chỉ trích.

Dẫu vậy, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer phủ nhận bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách và nói rằng động thái của Bộ Tài chính Mỹ là một "hành động bình thường".

Chính những phản ứng gay gắt từ giới tinh hoa Mỹ đối với phản ứng thử của Bộ Tài chính mới dưới thời ông Donald Trump giúp Washington chứng minh cho Moscow thấy những nỗ lực mà họ đã làm và vấp phải phản ứng. Việc còn lại, nếu Nga muốn dỡ bỏ trừng phạt, hãy tiếp cận bằng cách khác.

Nga chủ động thương lượng gỡ trừng phạt Mỹ? - Hình 2

Nga tìm cách đường đường chính chính gỡ bỏ trừng phạt.

Vốn là một thương nhân, ông Donald Trump tôn chỉ chính sách của Mỹ phải là "American First" - "ưu tiên nước Mỹ". Nếu hiểu được các phương pháp kinh doanh của Tổng thống Mỹ, người Nga ắt hẳn phải hiểu, với ông Trump, "mọi thứ đều có thể thương lượng".

Người Nga không thể chỉ nằm "há miệng chờ sung", Moscow cần phải tiến thêm một bước trong quá trình vừa xích lại gần Mỹ, vừa tìm cách tháo gỡ những lệnh trừng phạt mà vẫn giữ được uy thế của mình là không lung lay trước các cấm vận kinh tế.

Chủ động đàm phán với Mỹ là một mũi tên trúng hai đích khi không làm chính quyền Mỹ không bị khó xử, bị cho là quá thân thiết với Nga, mà vẫn thể hiện vị thế của Nga- đứng vững trước các lệnh trừng phạt từ bên kia đại dương.

Ngọc Dương - Baodatviet