RT dẫn thông báo từ Gazprom cho biết, nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu của Nga đã tiếp tục đạt kỷ lục mới về lượng khí đốt giao cho châu Âu.
Tập đoàn này đã bán thêm 5,8% nhiên liệu cho EU trong tháng 7 so với thời điểm năm ngoái.
Nga bán khí đốt cho châu Âu tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng khí giao cho Đức tăng 12,3%; cho Áo thêm 48,3%, cho Hà Lan tăng 53,8% và cho Croatia tăng 40,1%.
Gazprom cũng xuất khẩu nhiều khí hơn cho Đan Mạch, Ba Lan và Pháp trong 7 tháng đầu năm 2018.
Theo Gazprom, Tập đoàn này đang có kế hoạch tăng lượng khí giao hàng tới châu Âu lên 200 tỷ mét khối mỗi năm.
Năm 2017, Gazprom đã cung cấp tổng cộng 194,4 tỷ mét khối khí đốt cho các nước châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nước Tây Âu chiếm khoảng 81% xuất khẩu của Gazprom, trong khi các nước Trung Âu chiếm 19%.
Theo giám đốc điều hành của Gazprom Aleksey Miller, số lượng giao hàng kỷ lục là khả thi. Các yếu tố chính cho sự tăng trưởng nhu cầu của châu Âu là sự gia tăng hoạt động kinh tế trên lục địa và sự suy giảm lâu dài trong lĩnh vực sản xuất khí đốt của châu Âu.
Châu Âu cũng nhập khẩu 24% khí đốt từ Na Uy, 13% đến từ nguồn cung cấp LNG, và 11% khí đốt từ Algeria.
Tuy nhiên, Gazprom của Nga có sức cạnh tranh hơn cả thông qua những hợp đồng dài hạn với giá ổn định và các điều khoản chi trả hợp lý. Tập đoàn này có những hợp đồng dài hạn lên tới 25 năm và thường dựa trên những thỏa thuận liên Chính phủ với các nước ở Trung và Tây Âu.
Nguồn năng lượng từ Nga cũng phục vụ cả những căn cứ quân sự của Mỹ ở lục địa này.
Truyền thông Nga cho biết, các nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi Bộ Quốc phòng nước này cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga tại các căn cứ quân sự ở châu Âu.
Dữ liệu của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ cho thấy gần 40% lượng dầu được sử dụng tại các địa điểm quân sự đặt tại Đức là đến từ Nga. Căn cứ Không quân Ramstein ở Tây Nam nước Đức đóng vai trò là trụ sở của Không quân Hoa Kỳ ở Châu Âu và cũng là một cơ sở của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một ví dụ.
“Các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu hiện đang sử dụng một lượng đáng kể năng lượng có nguồn gốc từ Nga, khiến họ dễ bị tổn thương do sự gián đoạn cung cấp có chủ ý từ chính phủ Nga.
Sự phụ thuộc cũng làm giảm bớt nỗ lực của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh và ngăn chặn sự xâm lược của Nga ở châu Âu" - trích đoạn một bức thư được nhóm 13 nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ gửi tới Bộ Quốc phòng Mỹ.
Thượng nghị sĩ John Barrasso thì nhận định: "Chúng tôi dự đoán Nga sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng gồm: điện, khí tự nhiên, dầu và các sản phẩm dầu tinh chế... như một thứ vũ khí chính trị ở châu Âu.
Do đó, Mỹ phải chuẩn bị hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau của mình và ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với các lực lượng hoặc đồng minh của chúng ta hoặc phải phản đối các hành động thù địch của Nga”.
Những phản ứng mạnh mẽ của những nghị sĩ Mỹ được đưa ra cũng dẫn số liệu đáng ngại về việc Gazprom đã bán nhiều khí đốt cho châu Âu hơn năm ngoái đến 5,8% chỉ trong tháng 7.
Trong bối cảnh Washington cũng muốn trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2 của Nga dẫn tới Đức, việc giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga từ các cơ sở quân sự là điều cần thiết.
Washington cũng đang kỳ vọng vào kế hoạch bán thêm khí tự nhiên hóa lỏng LNG cho châu Âu sau một cam kết của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào tháng 7.
Tại đây, ông Jean-Claude Juncker cho biết, châu Âu có thể xây thêm những điểm tiếp nhận khí hóa lỏng tại những cảng lớn trong khi số đã có sẵn chưa dùng hết công suất.
Những cơ sở tiếp nhận mới có thể đón chào lượng khí hóa lỏng từ Mỹ và cả những quốc gia khác. Còn các hợp đồng mua bán LNG với Washington, châu Âu sẽ cân nhắc theo nhu cầu và theo thị trường.
Trong khi đó, Tổng thống Trump vui mừng cho biết rằng ông Jean-Claude Juncker đã chấp thuận việc xây dựng khoảng 9 đến 11 cơ sở đầu cuối tiếp nhận khí hóa lỏng từ Mỹ. Ông cũng khẳng định sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Nga trong cả lĩnh vực khí đốt và khí hóa lỏng.
Giới phân tích nhận thấy, nhu cầu về khí đốt của châu Âu là nhiều hơn so với LNG và nhà cung cấp Nga với các ưu thế về địa lý, mối quan hệ làm ăn lâu năm đã có được những hợp đồng dài hạn sẽ làm vật cản làm chùn bước Washington.
Theo Baodatviet