Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây đã có những tuyên bố mạnh mẽ, cáo buộc Mỹ đang tìm cách "can thiệp vào công việc nội bộ của Nga".
Ông Peskov cho rằng, nhiều năm gần đây, Mỹ đã sử dụng các cơ quan tình báo để tìm cách tuyển dụng công dân Nga, gây sức ép tinh thần và các sức ép khác đối với họ.
Tài phiệt Oleg Deripaska thân cận Điện Kremlin từng bị Mỹ lôi kéo.
Trường hợp điển hình nhất là ông trùm ngành nhôm Oleg Deripaska.
Trước đó, tờ New York Times tung ra các cuộc điều tra cho thấy, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã tìm cách tuyển dụng trùm tài phiệt Oleg Deripaska làm người cung cấp thông tin trong thời gian từ năm 2014-2016.
Hai cơ quan Mỹ đã gợi ý với ông chủ Tập đoàn nhôm Rusal rằng sẽ giúp ông tránh khỏi một số vấn đề pháp lý, và giúp ông có được visa nhập cảnh Mỹ.
Đổi lại, họ hy vọng ông tiết lộ ra các thông tin về tổ chức tội ác ở Nga, và sau này là muốn ông có thể cung cấp chứng cứ chống lại cuộc tranh cử Tổng thống 2016 của ông Trump.
Tờ báo này khẳng định họ có được những e-mail về vụ lôi kéo tài phiệt Nga Oleg Deripaska của hai cơ quan trên.
Các thư điện tử này gồm những cuộc trao đổi với giữa cựu điệp viên Steele của cơ quan tình báo nước ngoài (MI6, của Anh) với Bruce Ohr, một quan chức DOJ chuyên xử lý vấn đề tổ chức tội phạm Nga.
Các cuộc liên lạc này bắt đầu trước khi ông Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, và tiếp tục suốt cuộc tranh cử.
Các cựu và đương kim quan chức Mỹ cho Times biết, Deripaska là chủ đề trong nhiều cuộc đối thoại giữa Steele với Ohr từ năm 2014-2016. Ông này đã nhận được những sự hỗ trợ rất lớn từ FBI để được nhập cảnh vào Mỹ, gặp các quan chức FBI và được yêu cầu cung cấp thông tin về khả năng có mối quan hệ giữa các trùm tổ chức tội ác ở Nga với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Nhưng nỗ lực lôi kéo Deripaska không đạt được kết quả, vì ông cho các đặc vụ FBI biết, rằng ông không đồng ý với giả thiết tổ chức tội phạm Nga và Điện Kremlin thông đồng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Oleg Deripaska còn báo cáo Điện Kremlin vụ Mỹ cố gắng lôi kéo ông.
Ông Deripaska còn từng được FBI ghé thăm nhiều lần trước khi chính thức bị liệt vào danh sách trừng phạt hồi tháng 4 với lý do ông có lợi từ những “hoạt động ác ý của Nga”.
Khi tuyên bố mức trừng phạt này, chính phủ Trump dẫn các cáo buộc Deripaska tống tiền, bảo kê, đưa hối lộ, dính líu tổ chức tội phạm và thậm chí ra lệnh giết một doanh nhân Nga.
Deripaska phủ nhận các cáo buộc này, và những quan chức Mỹ biết về vụ lôi kéo bất thành này đã gọi đây là sự trừng phạt nhằm trị ông đã có “thái độ bất hợp tác” với Mỹ.
Vụ lôi kéo công dân, tài phiệt Nga như ông Oleg Deripaska chắc chắn không chỉ có một. Nhưng vụ việc của ông Oleg Deripaska đã được nêu ra đầu tiên bởi một tờ báo Mỹ - tờ báo nổi tiếng chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump - là những bằng chứng rõ ràng nhất cho phép Moscow chứng minh Washington tìm cách để can thiệp nội bộ ở Nga.
Mỹ và phương Tây ra sức ủng hộ lãnh đạo đảng đối lập Aleksey Navalny ra tranh cử dù vi phạm pháp luật Nga.
Moscow cũng từng lên tiếng cáo buộc Mỹ đã tung hàng triệu USD vào các tổ chức xã hội dân sự ở Nga nhằm chống phá cuộc bầu cử của nước này hồi năm 2018.
Theo đó, Nga giới hạn các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, yêu cầu phải đăng ký công khai với tư cách là "đại diện nước ngoài" và giới hạn nguồn kinh phí nhưng những tổ chức này vẫn nhận được nguồn tài chính không ngừng tăng.
Tổng số tiền tài trợ NGO vượt quá giới hạn cho mỗi chiến dịch của một ứng viên Tổng thống theo quy định của Nga. Con số này còn có thể so sánh với toàn bộ ngân sách Nga dành cho công tác tổ chức bầu cử trên phạm vi cả nước.
Thêm nữa, Ủy ban Bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Nga tiến hành, hầu hết những vụ can thiệp vào cuộc bầu cử Nga năm 2018 đều do Mỹ khởi xướng.
Sự can thiệp của Mỹ và phương Tây thể hiện rõ nhất ở việc họ ủng hộ một lãnh đạo đảng đối lập là ông Aleksey Navalny có cơ hội trở thành ứng cử viên Tổng thống Nga, bất chấp ông này đang chịu bản án hình sự, vi phạm pháp luật Nga.
Trong khi đó, Washington càng đuối lý khi tìm cách tố Nga can thiệp bầu cử Mỹ, viện lý do để trừng phạt Nga như sử dụng chất độc hóa học ở Anh, tấn công cựu điệp viên hai mang. Vụ điều tra đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh trên phương diện quốc tế đã không mang tới kết quả, không chỉ đích danh được "kẻ đứng sau" với những bằng chứng hết sức mơ hồ. Tuy nhiên, Washington vẫn viện những lý lẽ để tìm cách trừng phạt Nga, một trong những người được nhắm tới đầu tiên là Oleg Deripaska - một minh chứng cho sự thất bại của Washington khi âm mưu dùng người Nga hại người Nga.
Theo Baodatviet