Đối với các QTDND, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã giúp các QTDND mở ra cơ hội lớn phát triển, nâng tầm thương hiệu, nâng cao mối liên kết hệ thống giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời cũng đã giúp thành viên của các QTDND và người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Từ năm 2012, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam bắt đầu triển khai Ngân hàng điện tử (CF-eBank). CF-eBank đã giúp người dân thuận tiện giao thương, mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chi trả cho con cái học hành. Với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, CF-eBank không chỉ giúp bà con thuận tiện chi trả các nhu cầu, dịch vụ đời sống mà hơn thế còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt là tránh được những rủi ro, nguy hiểm khi trên đường mang tiền ra trung tâm huyện, tỉnh để thực hiện thanh toán, chuyển tiền.

Tính đến 30/6/2021, CF-eBank đã có mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc với: 676 điểm giao dịch (bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 578 QTDND tham gia liên kết). Giao dịch chuyển tiền CF-eBank đạt: 407.580 món với doanh số: 161.861 tỷ đồng, trong đó: doanh số chuyển tiền của các QTDND thành viên đạt 11.836 tỷ đồng với: 114.398 món.

Các QTDND khi tham gia mạng lưới CF-eBank sẽ được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ tối đa về hạ tầng, tập huấn, đào tạo chuyển giao công nghệ, quảng cáo, truyền thông. Từ đó, các QTDND dễ dàng triển khai sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thành viên và khách hàng. Với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, CF-eBank thực hiện an toàn, nhanh chóng, chi phí hợp lý. Các QTDND tham gia mạng lưới CF-eBank đều cho rằng: CF-eBank đã nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu của các QTDND trên địa bàn hoạt động và giúp các QTDND mở rộng thị trường, thu hút đông đảo khách hàng đến mở tài khoản tiền gửi và thực hiện giao dịch chuyển tiền, hỗ trợ phát triển các dịch vụ khác.

Thời gian tới Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như: Mobile Banking, ví điện tử, QR Pay…
Thời gian tới Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như: Mobile Banking, ví điện tử, QR Pay….

Từ năm 2018, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam triển khai sản phẩm thẻ thanh toán nội địa tới các QTDND, kết hợp với dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank, QTDND đã trở thành một điểm giao dịch an toàn trên địa bàn. Khách hàng đến các điểm giao dịch của QTDND có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch (nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, sao kê giao dịch, truy vấn số dư) với thủ tục đơn giản và thời gian giao dịch nhanh chóng.

Sau khi triển khai sản phẩm thấu chi đến các khách hàng cá nhân, năm 2019, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam bắt đầu triển khai sản phẩm thấu chi dành cho cán bộ, nhân viên và thành viên của QTDND nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu đột xuất của khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn hoạt động của QTDND. Từ mua hàng thiết yếu trong gia đình, chuyển tiền học cho con hay thanh toán phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày… là những tiện ích thiết thực mà thẻ thấu chi mang lại. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục gia tăng những tiện ích bằng việc cấp thấu chi tài khoản thanh toán đối với QTDND tham gia thành viên CF-eBank để hỗ trợ nhu cầu thanh toán tức thời của thành viên, khách hàng của QTDND. Số lượng các QTDND sử dụng dịch vụ tăng mạnh qua từng năm và đã nhận được những phản hồi tích cực…

Hiện Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng hệ thống Khởi tạo và Quản lý khoản vay từ xa để giải quyết thủ tục cho vay thấu chi trên thẻ thanh toán nội địa. Theo đó, từ giai đoạn khách hàng đề nghị vay thấu chi đến quá trình thẩm định, phê duyệt, thời gian cho vay sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn khi các giấy tờ vay vốn được số hóa. Ngoài ra, QTDND có thể kiểm soát tiến độ hồ sơ khoản vay thấu chi của các khách hàng tại địa bàn, theo dõi biết trước được hồ sơ của khách hàng nào đã được giải ngân. Từ tháng 05/2021, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai thí điểm hệ thống này tới khách hàng tại các QTDND trên địa bàn 05 chi nhánh: Nghệ An, Bình Thuận, Nam Định, Đăk Lăk và Đồng Nai. Sau thời gian thí điểm, Ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết và tiếp tục mở rộng triển khai tới các QTDND tham gia kết nối mạng lưới sản phẩm dịch vụ thẻ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến, gia tăng thêm nhiều dịch vụ, tiện ích mới như: lựa chọn số tài khoản đẹp (số ngày sinh, số dễ nhớ, mang nhiều ý nghĩa về sự may mắn…), dịch vụ cho vay thấu chi có tài sản đảm bảo...

Những kết quả đã thu được từ việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính toàn diện hỗ trợ hệ thống QTDND và người dân ở khu vực nông thôn sẽ là tiền đề, động lực để Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như: Mobile Banking, ví điện tử, QR Pay… nhằm phát huy tốt vai trò đầu mối, là trụ đỡ vững chắc cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững.

Trần Mạnh