THCL TAND TP. Hà Nội đã tuyên buộc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH Nhôm Đông Á số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty TNHH Nhôm Đông Á vẫn chưa biết bao giờ mới nhận được tiền thanh toán trên...
Bản án Phúc thẩm số: 52/2016/KDTM-PT ngày 29/6/2016 của TAND TP. Hà Nội
Phán quyết của tòa án
Theo Bản án sơ thẩm ngày 12/11/2015 của TAND quận Đống Đa, Ngân hàng TMCP Quốc tế là bên đứng ra bảo lãnh thanh toán cho việc mua bán hàng hóa giữa bên bán là Công ty Nhôm Đông Á với bên mua là Công ty Smartdoor.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam phải có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng thay cho Công ty Smartdoor trong trường hợp Công ty Smartdoor vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán hàng với Công ty Nhôm Đông Á. Tuy nhiên, sau khi Công ty Smartdoor vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Nhôm Đông Á và phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Quốc tế.
Phía Công ty Nhôm Đông Á đã nhiều lần gửi văn bản và hồ sơ yêu cầu Ngân hàng TMCP Quốc tế thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán theo đúng quy định của Thư bảo lãnh và quy định của pháp luật thế, nhưng ngân hàng này lại không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.
Việc Ngân hàng TMCP Quốc tế bội tín không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như đã cam kết đã buộc Công ty Nhôm Đông Á cực chẳng đã phải khởi kiện ra TNND quận Đống Đa.
Mặc dù, tại Bản án Sơ thẩm ngày 12/11/2015 TAND quận Đống Đa đã tuyên buộc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam phải thanh toán hơn 2 tỷ đồng theo Thư bảo lãnh thanh toán đã phát hành cho Công ty Nhôm Đông Á. Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Quốc tế tiếp tục lại có đơn kháng cáo và vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử theo thủ tục Phúc thẩm tại TAND TP. Hà Nội.
Tại phiên xét xử ngày 29/6/2016, Hội đồng xét xử Phúc thẩm vụ án sau khi xem xét hồ sơ, các tài liệu, chứng cứ chứng minh có trong vụ án và phần trình bày của các đương sự tại phiên tòa, Tòa Phúc thẩm TAND TP. Hà Nội đã một lần nữa xác định trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Quốc tế.
Theo đó, tại Bản án Phúc thẩm số 52/2016/KDTM-PT ngày 29/6/2016 của TAND TP. Hà Nội đã tuyên buộc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH Nhôm Đông Á số tiền là: 2.382.725.149 đồng, ngoài ra Ngân hàng TMCP Quốc tế còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án kể từ ngày Bản án số 52/2016/KDTM-PT có hiệu lực.
Ngân hàng bội tín, DN chờ tiền bảo lãnh
Trả lời PV liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người trực tiếp tham gia bảo vệ cho Công ty Nhôm Đông Á cho biết: “Bản án Phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật được hơn… tháng, Công ty Nhôm Đông Á cũng đã làm các thủ tục yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, đến nay Công ty Nhôm Đông Á cũng chưa biết bao giờ mới nhận được tiền thanh toán từ Ngân hàng TMCP Quốc tế?”
Cũng theo Luật sư Đạt: “Công ty Nhôm Đông Á bán hàng cho rất nhiều đối tác và hầu hết các hợp đồng mua bán đều có bảo lãnh thanh toán, bản tôi cũng là người trực tiếp đi yêu cầu rất nhiều ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên mua hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán như Mbank, Agribank, Vietcombank, khi được yêu cầu các ngân hàng đó đều rất uy tín trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và chưa từng có trường hợp nào không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.
Chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc Công ty Nhôm Đông Á bày tỏ: “Chúng tôi phải theo kiện hơn 3 năm trời, cả 2 phiên tòa đều thắng kiện, nhưng giờ vẫn chưa biết khi nào mới nhận được tiền thanh toán của ngân hàng, tôi không hiểu pháp luật của Việt Nam thế nào nữa”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, không chỉ riêng vụ việc này với Công ty Nhôm Đông Á, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam còn bị tố “lật kèo” với Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (đăng trên Báo mới ngày 23/6/2016).
Qua các vụ việc cho thấy, các DN cần phải thận trọng khi yêu cầu bảo lãnh phát hành từ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án… cần lên tiếng và có những hành động cần thiết trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN.
Nhóm PV