Tổng Giám đốc BHXH Việt nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo Hội nghịTổng Giám đốc BHXH Việt nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo Hội nghị

Nhiều kết quả tích cực

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và HĐQL BHXH Việt Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tại hội nghị, ông Chu Mạnh Sinh - Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết: Trong tháng 11/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành một số văn bản quan trọng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Các công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, như: giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo nhóm đối tượng và đánh giá hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT; triển khai thực hiện dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hướng dẫn truyền thông chính sách BHXH, BHYT…; Ban hành, triển khai các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tại một số đơn vị thuộc diện sắp xếp, kiện toàn, cơ cấu lại theo Nghị định số 89/2020/NĐ-CP; triển khai thí điểm việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy để đi khám chữa bệnh tại 10 tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa bão, lũ lụt.

Trước tình hình bão, lũ tại miền Trung, BHXH Việt Nam cũng ban hành văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão, lũ triển khai một số nhiệm vụ để kịp thời ứng phó với những tác động của bão lũ, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đảm bảo quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Kết quả, tháng 11/2020, cả nước đã có 15,88 triệu người tham gia BHXH; 13,18 triệu người tham gia BH thất nghiệp; 87,05 triệu người tham gia BHYT, với tổng số thu 345.401 tỉ đồng.

Trong tháng, toàn Ngành cũng đã giải quyết chế độ BHXH hằng tháng cho 13.171 người; chế độ trợ cấp BHXH 1 lần cho 90.891 người; chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức - phục hồi sức khỏe cho 816.270 lượt người; giải quyết hưởng BH thất nghiệp cho 84.410 người; chi trả chi phí KCB BHYT cho 16.507 triệu lượt người.

Cũng trong tháng 11, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chinh phủ điện tử của BHXH Việt Nam; Các công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như: hướng dẫn sử dụng nền tảng trao đổi định danh điện tử của Công Dịch vụ công Quốc gia; hướng dẫn thực hiện một số nội dung theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; hướng dẫn phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; Tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn về ứng dụng VSSID để đơn vị, người dân hiểu rõ mục đính, ý nghĩa và đăng ký sử dụng.

Đặc biệt, tổ chức các Đoàn công tác của BHXH Việt Nam trao tặng thẻ BHYT cho người dân chưa tham gia BHYT và làm việc với 10 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc do những ảnh hưởng, tác động của bão lũ gây ra, nhằm duy trì, tổ chức tốt thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phục vụ Nhân dân.

Tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị ASSA 37 vào tháng 12/2020; Tổ chức làm việc với Lãnh đạo Ban Dược phẩm - Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham); ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020-2024 giữa BHXH Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID).

Tại hội nghị, đại diện BHXH các tỉnh, thành phố cũng thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Các đại biểu tham gia hội nghị cũng cùng thảo luận, đánh giá về những hạn chế, cũng như những khó khăn vướng mắc trong thời gian vừa qua. Đơn cử, công tác phát triển đối tượng tham gia luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành BHXH.

Tuy nhiên trong năm 2020 do tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Việc xử lý nợ kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... chưa được các Luật có liên quan điều chỉnh. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị...

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong toàn Ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung, quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổng Giám đốc nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, các đơn vị cần quyết liệt hơn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam để thực hiện hoàn thành mọi nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. 

Tổng Giám đốc cũng đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối năm năm 2020 để toàn Ngành cùng tập trung, quyết liệt triển khai gồm:

Thứ nhất, hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tập trung triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký, sử dụng ứng dụng VSSID trên thiết bị di động.

Thứ hai, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2020 (phấn đấu đạt 91% dân số tham gia BHYT). Chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn Ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất).

Thứ ba, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành, kiểm soát dự toán chi KCB BHYT, đảm bảo thực hiện trong dự toán năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi quỹ KCB BHYT.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong việc xây dựng, giao dự toán, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2021; dự toán chi KCB BHYT năm 2021 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ năm, xây dựng, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong năm 2021; đặc biệt là việc triển khai các nội dung, quy định mới của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Thứ sáu,  các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện rà soát lại toàn bộ kế hoạch, đề án, dự án, chương trình, nhiệm vụ năm 2020; tập trung mọi nguồn lực đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2020.

 PV