Chưa có phương án tăng giá
EVN hiện vẫn chưa trình lại phương án giá điện năm 2017, do phải hiệp thương lại giá than. Nếu giá than vẫn tăng theo lộ trình như hiện nay, EVN chi phí sẽ đội lên gần 4.700 tỷ đồng. Một khi các DN muốn tăng giá, trước tiên phải xem xét lại việc tiết giảm chi phí sản xuất để tránh đặt gánh nặng cho người dân.
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá điện trong năm 2017 và những năm tiếp theo là tất yếu, do quá trình chuyển đổi sang thị trường điện bán lẻ hoàn toàn và nền kinh tế phát thải thấp. Chính vì vậy, báo cáo của Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam) kiến nghị: Với những hộ dân sử dụng điện lưới nên bỏ điều kiện để được hỗ trợ (tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng) và nên áp dụng thang giá điện lũy tiến.
Với việc giá than tăng khoảng 7% từ cuối năm 2016 sẽ làm đội chi phí sản xuất điện lên gần 4.700 tỷ đồng trong năm 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn EVN hoàn thiện báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.
Bộ Công thương phải chỉ đạo EVN cần rà soát, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành điện năm 2017 (tỷ lệ tổn thất điện năng, sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm, nhất là nhiệt điện dầu trong kế hoạch vận hành năm 2017), bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân và hiệu quả kinh tế.
Phó Thủ tướng lưu ý các phương án xây dựng giá bán sẽ theo các kịch bản: giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường; khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ, được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.
Giá điện năm nay sẽ tăng
GS. Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch HĐQT TCT Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện năm nay sẽ tăng, bởi vì giá năng lượng trên thế giới đang xu hướng tăng; tăng lên bao nhiêu thì khó dự đoán vì còn nhiều yếu tố đầu vào - sẽ quyết định.
Ví dụ, than sẽ tăng thêm bao nhiêu, tỷ giá hối đoái giữa VND với các loại ngoại tệ mà DN vay để xây dựng các dự án sẽ biến thiên thế nào... Ngoài ra, còn có một yếu tố quyết định khác cho giá điện năm 2017 đó là tình hình lạm phát trong nước.
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm nay, để đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng, dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ KWh. Kế hoạch này đang đặt ra thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN trong năm 2017, do chi phí điện chạy dầu khá cao.
Theo các chuyên gia, với việc giá than tăng khoảng 7% từ cuối năm 2016, sẽ khiến chi phí sản xuất điện bị đội lên, gây nhiều khó khăn cho EVN trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất. Từ đó, EVN sẽ có những đề xuất hạch toán vào giá điện trong thời gian tới. Để ổn định kế hoạch sản xuất điện khi giá than tăng, nhiều chuyên gia đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có giải pháp đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất điện, không gây tác động xấu đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bởi nếu không giải quyết hài hòa bài toán lợi ích - sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhất là việc tái đầu tư.
Ngọc Linh