Có được thành quả ấy, ngành điện tự hào là “bà đỡ” chính của ngành công nghiệp với những nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, mở rộng nguồn, lưới đảm bảo cung ứng thỏa mãn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng góp phần làm sáng lên truyền thống của ngành điện Quảng Ninh, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.
Vượt khó từ phát huy tiềm năng để tạo nguồn lực
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều địa phương trong cả nước không có được như: than, cao lanh, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi... Riêng tài nguyên than đá có trữ lượng khoảng 3,6 tỷ tấn, phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều, mỗi năm cho phép khai thác khoảng 40 ÷ 50 triệu tấn.
Đảm bảo cung cấp điện cho công nghiệp khai thác than
Phát huy tốt những tiềm năng đó, Quảng Ninh đã biến thách thức thành cơ hội để trở thành một trong những trung tâm sản xuất than, nhiệt điện lớn nhất cả nước. Đến năm 2016, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh đạt 5.150MW, chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước. Giai đoạn 2011-2015, Quảng Ninh có bước đột phá trong đầu tư phát triển hệ thống lưới điện.
Đến nay, toàn tỉnh đạt 99,85% số hộ được cấp điện lưới quốc gia, là địa phương đi đầu cả nước về phát triển hệ thống điện nông thôn và đưa điện lưới ra các xã đảo. Ngành công nghiệp và “công nghiệp không khói” đều được “no điện”!
Chỉ tính trong năm 2017 và 2018, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 67 dự án lưới điện trên địa bàn Quảng Ninh, trong đó có 37 công trình lưới điện trung áp cấp điện cho các nhà đầu tư chiến lược tại các khi kinh tế, khu công nghiệp và khu trọng điểm của tỉnh.
Đảm bảo cung cấp điện cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Tiếp tục quá trình xây dựng và phát triển, hiện nay Công ty Điện lực Quảng Ninh đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện hoàn chỉnh có cấp điện áp đến 110 kV, trong đó: 17 trạm biến áp 110kV với 28 MBA, tổng công suất đặt là 1.074 MVA và 07 TBA khách hàng với tổng công suất đặt là 371 MVA. Ngoài ra có 818,5 km đường dây 110kV trải dài từ Phả Lại đến Móng Cái ; 04 trạm biến áp trung gian với 08 máy biến áp, tổng công suất 24,7 MVA và 49 trạm biến áp trung gian của khách hàng với 85 máy, tổng công suất 404,8 MVA; Tổng cộng 2425 trạm biến áp phân phối với 2439 máy biến áp, tổng công suất 766,15 MVA và 1982 trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng với 2000 máy biến áp, tổng công suất 853,16 MVA.
Về lưới điện có149 đường dây trung thế (6 ÷35 kV) có chiều dài là 3000,9 km; trong đó: 2708,44 km đường dây trên không và 292,49 km cáp ngầm; và 626,02 km đường dây của khách hàng trong đó: 563,73 km đường dây trên không và 62,29 km cáp ngầm. Chưa kể 10.142,56 km đường dây hạ áp; trong đó: 39,42 km dây trần; 9809,28 km cáp bọc và 293,86 km cáp ngầm.
Có thể nói, sở hữu một hệ thống mạnh về nguồn, lưới; Công ty Điện lực Quảng Ninh có cơ sở để đảm bảo cho phụ tải sản xuất công nghiệp, đảm bảo sự hài lòng của khách hàng cả về lượng và chất trong sử dụng điện năng.
Hiệu quả không chỉ từ kinh doanh điện năng
Với đội ngũ CBCNV là hơn 1.200 người, hiện nay Công ty Điện lực Quảng Ninh đang quản lý vận hành một hệ thống lưới điện hoàn chỉnh, được phân bố trên địa bàn 14 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Với mục tiêu hoàn thành toàn diện, xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giao, CBCNV Công ty đã hưởng ứng sôi nổi các hoạt động trong sản xuất kinh doanh để nâng cao chuyên môn công tác và phong trào thi đua do Công đoàn phát động, để đạt hiệu quả kinh doanh điện năng cao nhất toàn EVNNPC.
Năm 2018, điện thương phẩm Công ty Điện lực Quảng Ninh đạt 4.333,982 triệu kWh, tăng 8,94% so với năm 2017; Chỉ tiêu tổn thất điện năng: 4,69% giảm 0,29 % so với cùng kỳ năm 2017.Với doanh thu: 7.363,649 tỷ đồng. Chỉ riêng Quý 1/2019: Sản lượng điện thương phẩm: 960,180 triệu kWh; Tổn thất điện năng: 4,22 % và doanh thu: 1.623,237 tỷ đồng.
Nhưng hiệu quả kinh doanh điện năng của Công ty Điện lực Quảng Ninh không chỉ là những con số của ngành điện, mà với vai trò là nguyên liệu đầu vào của Công nghiệp, hiệu quả của ngành điện có vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh trong nhiều năm qua.
Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nhất là nguồn lưới điện được đáp ứng đầy đủ, Quảng Ninh đã tiếp nhận một dòng đầu tư mới theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Năm 2016 là năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, sự khởi sắc của ngành công nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà cho toàn ngành sớm về đích. Theo mục tiêu đề ra cả nhiệm kỳ thì đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11÷12%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng phấn đấu đạt 47÷48%.
Những kết quả thu hút đầu tư của năm 2017 là một minh chứng cụ thể cho những nhận định trên. Theo đó, trong năm, tổng vốn thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh ước đạt 57.834,32 tỷ đồng (gồm: 315,06 triệu USD và 50.750,24 tỷ đồng), gấp 3,86 lần so với kế hoạch năm và gấp 2,78 lần năm 2016. Tổng giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 875 triệu USD, tăng 22,79% so với kế hoạch.
Riêng năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã có những con số ấn tượng về phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 11,1% vượt 0,9% so kế hoạch. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,8% . Tiêu biểu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai khoáng… với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng khả quan như: Khai thác than, xi măng, clinke, sợi bông, dầu thực vật…
Chưa kể ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh khi được đáp ứng nguồn điện theo nhu cầu, ngành du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc xứng tầm đầu tàu cả nước.
Giữ vững vai trò “đi trước”, điện lực Quảng Ninh tiếp tục tăng tốc
Ngày 09/4/2013 tại thôn Khe Cát, Hoành Bồ, Quảng Ninh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ tổng kết công tác xây dựng lưới điện nông thôn khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ninh năm 2011-2012
Căn cứ quy hoạch điều chỉnh, bổ sung phát triển điện lực Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, điện lực Quảng Ninh tiến hành đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành TBA 110kV Nam Hòa, TBA 110 kV Đông Mai năm 2019, TBA 110 kV Hùng Thắng, TBA 110 kV Đầm Hà, TBA 110 kV Vân Đồn 2 năm 2020; TBA 110 kV Vân Đồn 5 vào năm 2022; TBA 220 kV Vân Đồn năm 2023 bổ sung xây mới trạm Tuần Châu công suất 1x40MVA giai đoạn 2026-2030. Qua đó, cấp điện ổn định cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, ngoài ra khu vực Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, khu đô thị Hùng Thắng… và khu vực dân cư xung quanh được cấp điện ổn định với chất lượng cao.
Lễ cắt băng khánh thành đóng điện TBA 110 kV Vân Đồn , nơi có xuất tuyến 22 kV đưa điện ra huyện đảo Cô Tô
Giai đoạn 2018-2025, ngành điện Quảng Ninh sẽ đầu tư xây mới 152 km đường dây trung áp, 203TBA với công suất 107.620kVA, 363km đường dây hạ áp với tổng vốn đầu tư cả giai đoạn là 642 tỷ đồng. Với việc dành nguồn lực không nhỏ cho việc đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, việc cấp điện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh sẽ được đảm bảo ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Điện Quảng Ninh trên đà tăng tốc tiếp tục phát triển theo quy hoạch chung của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ngành điện tạo ra nguồn động lực dồi dào, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh hơn, thu hút các nhà đầu tư về với Quảng Ninh với nhiều ngành nghề, sản phẩm hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động theo Nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV đã đề ra.
Nguyễn Ngọc Lan