Theo cơ quan này, tình hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang rất khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp vận tải du lịch gần như đóng cửa vì không có khách, doanh nghiệp lữ hành thì dừng hoạt động đến 95%, đặc biệt còn có doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh, chấm dứt hoạt động.

Doanh nghiệp lưu trú, khách sạn và khu nghỉ dưỡng (resort) tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt công suất phòng 10%. Còn các tỉnh, vùng có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách, chỉ một số ít là chuyên gia nước ngoài và du khách cách ly.

Ngành du lịch xin lùi trả lãi ngân hàng đến hết 2021Ngành du lịch xin lùi trả lãi ngân hàng đến hết 2021

Tại các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, công suất phòng chỉ đạt 3-5%. Các địa phương còn lại, công suất đạt từ 10-20%.

Bộ VH-TT&DL đánh giá, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện hoạt động cầm chừng, công suất thấp, phải cho nhân viên nghỉ việc, chỉ duy trì số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành du lịch không thể có lãi nên chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020 ngày 19/6/2020 của Chính phủ hầu như không có tác dụng.

Chính vì vậy, Bộ VH-TT&DL đề xuất Thủ tướng xem xét các giải pháp liên quan đến thuế, phí và điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021.

Đối với nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ, Bộ VH-TT&DL kiến nghị xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021 vì hiện các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.

Mặt khác, cần tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn.

Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất xem xét tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để được nhận hỗ trợ, giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ. Xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để cứu ngành du lịch đang lao đao, Bộ VH-TT&DL mới đây cũng phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai, cho những tháng cuối năm 2020, với chủ đề "du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Trong đó, Bộ khuyến khích hình thành liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf...

Huy Trung