Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu vào lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng chống dịch Covid-19; đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của một số doanh nghiệp trên địa bàn; thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Lào Cai là cơ quan có kết quả thanh tra hành chính cao nhất với số tiền sai phạm phát hiện là 3,49 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách 1,14 tỷ đồng và xử lý khác về kinh tế 2,35 tỷ đồng. Có 22 kết luận thanh tra được thực hiện đôn đốc, kiểm tra trong kỳ báo cáo, trong đó có 07 kết luận đã hoàn thành việc thực hiện các kiến nghị nêu tại kết luận.
Tổng số tiền phải thu hồi về ngân sách nhà nước lũy kế là 26,65 tỷ đồng (bao gồm số tiền phải thu từ các kết luận trong kỳ và số tiền chưa thu được từ các kết luận kỳ trước chuyển sang), đến thời điểm báo cáo đã thu hồi 6,03/26,65 tỷ đồng về ngân sách nhà nước. Số còn lại tiếp tục đôn đốc thu hồi là 20,62 tỷ đồng.
Ngành Thanh tra Lào Cai đã tiến hành 16 cuộc thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại 35 đơn vị, đến nay đã ban hành 06 kết luận thanh tra.
Công tác quản lý, điều hành được quan tâm thực hiện với 26 văn bản chỉ đạo được ban hành mới. Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là, việc triển khai kế hoạch thanh tra năm 2022 của một số đơn vị còn chậm; kết luận thanh tra chưa có nhiều nội dung liên quan đến việc kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách để phù hợp với tình hình mới; vẫn còn có đoàn thanh tra phải gia hạn thời gian thanh tra.
Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do tính chủ động trong công tác của một số đơn vị chưa cao, năng lực của một bộ phận công chức làm công tác thanh tra còn hạn chế. Về nguyên nhân khách quan, các đơn vị phải điều chỉnh lịch làm việc để tuân thủ chỉ đạo, điều hành của tỉnh liên quan đến công tác ứng phó với ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ với ngân sách đối với số tiền sai phạm phải thu hồi.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực được dư luận quan tâm; có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc được Thanh tra Chính phủ giao. Tăng cường thanh tra trách nhiệm, nhất là với những ngành, lĩnh vực có dấu hiệu vi phạm, dư luận phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra khách quan, chất lượng, hiệu quả, không tiêu cực, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Nguyễn Mạnh