Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Tổ phó thường trực Tổ công tác), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (Tổ phó); các thành viên của Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại cuộc họp, Tổ công tác đã thảo luận cho ý kiến về phân công nhiệm vụ của các thành viên Tổ công tác; Dự thảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; Đề cương Dự thảo báo cáo kết quả rà soát của Chính phủ; và kết quả rà soát do Thường trực Tổ công tác thực hiện.
Tại Nghị quyết 101/2023/QH15, Quốc hội giao Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.
Đồng thời, phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.
Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đánh giá việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ khó do nội dung rà soát rất rộng và thời gian rất gấp do phải trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Đến thời điểm trước cuộc họp, Bộ Tư pháp mới nhận được báo cáo rà soát của 5 bộ, 20 địa phương và 2 hiệp hội.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các bộ, địa phương và hiệp hội đã bắt tay vào rà soát văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát của Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngày 31/8 là thời hạn chót để các bộ, ngành còn lại phải gửi báo cáo rà soát văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình về Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, hoàn tất việc xin ý kiến phản hồi của các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, phấn đấu trình Quốc hội ngày 12/9.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng Báo cáo là phải tập trung vào những vấn đề lớn, những vướng mắc đang cản trở sự phát triển và những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận.
Phó Thủ tướng mong muốn trong quá trình rà soát văn bản pháp luật, xây dựng Báo cáo, các thành viên của Tổ công tác phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời với các cơ quan của Quốc hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ cân nhắc thời điểm, thành phần, hình thức, nội dung của một Hội nghị cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 945/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8/2023, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội; phối hợp công tác với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH15 ngày 20/7/2023.
Tổ công tác thường xuyên theo dõi tình hình triển khai thực hiện, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thường trực Tổ công tác với các bộ, cơ quan liên quan và với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát, xây dựng Báo cáo của Chính phủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Tổ công tác phải kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2023 để kịp thời xin ý kiến Quốc hội những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo C.P