Đặt nền móng cho chiến lược dài hạn

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn lại thực trạng dạy và học tiếng Anh tại Nghệ An giai đoạn 2017-2025. Theo Sở GD&ĐT, công tác này đã đạt nhiều kết quả tích cực: 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo, nhiều người có trình độ thạc sĩ; kỹ năng giao tiếp của học sinh được cải thiện; kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2023 và 2024 đều vượt mốc trung bình 5.0 điểm – một dấu mốc đáng ghi nhận.

Các đại biểu kích hoạt phong trào “Tháng tự học tiếng Anh”.
Các đại biểu kích hoạt phong trào “Tháng tự học tiếng Anh”. (Ảnh: K.O)

Tỉnh hiện có 251 trung tâm ngoại ngữ, đào tạo hơn 440.000 học viên trong 8 năm qua. Nhiều trường được đầu tư phòng học ngoại ngữ, hợp tác quốc tế cũng ngày càng mở rộng.

Tuy vậy, vẫn còn không ít thách thức mang tính hệ thống. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ C1 – theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn thấp, đặc biệt ở bậc THPT (chỉ 35%). Gần 2.000 giáo viên có chứng chỉ cũ cần được bồi dưỡng lại. Hạ tầng dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ với chương trình mới, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên tới 906 tỷ đồng từ nay đến năm 2030.

Mục tiêu của Nghệ An đến năm 2035 là xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt nơi tiếng Anh được sử dụng thường xuyên, tự nhiên trong nhà trường không chỉ là môn học, mà là một phần trong giao tiếp, quản trị và các hoạt động giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: K.O)

Để hiện thực hóa mục tiêu, Sở GD&ĐT xác định sáu nhóm giải pháp trọng tâm: nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới chương trình và phương pháp dạy học; đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng môi trường học tập ngôn ngữ tích cực; hoàn thiện cơ chế, chính sách; và đẩy mạnh truyền thông, giám sát.

Giám đốc học thuật Five-Star E-Learning (FSEL), ông Brandon Sinkovic cũng chia sẻ quan điểm: Học sinh sẽ học tốt hơn nếu tiếp cận tiếng Anh như một ngôn ngữ sống chứ không đơn thuần là môn học. Ông đánh giá cao vai trò của công nghệ và nền tảng học cá nhân hóa trong quá trình học tập tự chủ của học sinh.

Phát động “Tháng tự học tiếng Anh”

Trong khuôn khổ hội nghị, “Tháng tự học tiếng Anh” năm 2025 đã chính thức được phát động, diễn ra từ ngày 1/6 đến 28/6/2025. Chương trình dành cho toàn bộ giáo viên tiếng Anh và học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, với các hoạt động thi đua, đánh giá năng lực và học tập trên nền tảng số.

Giám đốc học thuật Five-Star E-Learning (FSEL) Brandon Sinkovic chia sẻ “Kinh nghiệm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học của các nước trên thế giới và đề xuất giải pháp đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Giám đốc học thuật Five-Star E-Learning (FSEL) Brandon Sinkovic chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: K.O)

Các trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh, giám sát quá trình học tập, đặc biệt hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ban tổ chức cũng sẽ tiến hành đánh giá, sơ kết, và vinh danh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành cho biết, Sở sẽ khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển tiếng Anh và đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết liên quan. Một tổ công tác sẽ được thành lập để xây dựng đề án, với sự tham gia của chuyên gia, doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả triển khai.

Ông Thành nhấn mạnh vai trò tiên phong của đội ngũ giáo viên tiếng Anh và kỳ vọng vào sự lan tỏa của thế hệ học sinh năng động, chủ động học tập. Đồng thời mong muốn các đơn vị đối tác tiếp tục đồng hành, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại địa phương.

Lê Quyết