Liên quan đến vụ việc hơn 70 học sinh của Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện do ngộ độc sữa, ngày 5/3, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tạm dừng cho học sinh uống sữa học đường.
Theo tìm hiểu được biết, Đề án sữa học đường được triển khai tại tỉnh Đồng Nai từ năm 2014. Đối tượng được uống là trẻ từ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học. Chương trình sữa học đường tại tỉnh Đồng Nai có phạm vi cung cấp rất rộng với số lượng trên 1.500 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Học sinh nhập viện cấp cứu sau nghi vấn sử dựng sữa mang nhãn hiệu Nutifood
Được biết, Công ty Nutifood trúng thầu Đề án sữa học đường tại Đồng Nai từ năm 2017. Thời gian trước học sinh được uống loại sữa khác. Còn sữa khiến học sinh bị ngộ độc hàng loạt vừa qua là sữa tươi, loại hộp giấy.
Theo thông tin từ Sở Giáo đục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thì giữa tháng 2/2018, công ty sữa Nutifood trúng thầu cung cấp sữa tươi và chính thức giao lô sữa đầu tiên đến các trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 1/3. Đến sáng hôm sau (2/3), trường tiểu học Phạm Văn Đồng tổ chức cho 204 học sinh các khối lớp 1, 2 và 3 uống sữa thì xảy ra vụ việc hơn 70 em học sinh có triệu chứng người tái xanh, đau bụng và ói mửa.
Trước sự việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra về vấn đề chất lượng sữa của công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood có được bảo đảm trong khi đơn vị này chưa hề có kinh nghiệm trong việc thực hiện bất cứ dự án sữa học đường ở tỉnh nào.
Đáng chú ý, sau vụ việc hơn 70 học sinh bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi: Có bao nhiêu trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng sữa do công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood cung cấp?
Trao đổi với PV, bà Hà Thị Dịu, đại diện truyền thông của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood cho biết, Đề án sữa học đường được công ty cung cấp cho hơn 1000 trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đã triển khai được khoảng một năm nay.
Sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood bị cặn đông đặc, vón cục (Ảnh: Sức khỏe cộng đồng)
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV, để trúng gói thầu “Mua sắm và cung cấp sữa học đường từ năm 2018 đến năm 2020 cho các trường học thuộc đề án “Sữa học đường” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì nhà thầu phải có 1 hợp đồng cung cấp, phân phối sữa học đường (thuộc các chương trình sữa học đường) thỏa mãn điều kiện: “Có giá trị tối thiểu 144,8 tỷ đồng, hợp đồng được ký trực tiếp với Sở Giáo dục và Đào tạo, có thời gian thực hiện tối đa trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đến lúc nghiệm thu hoàn thành”. Tuy nhiên, thực tế thì nhãn hiệu sữa Nutifood lại chưa hề cung cấp cho bất cứ đề án sữa học đường nào trước đó.
Trước những điểm bất thường này, dư luận không khỏi nghi ngờ rằng, chất lượng sữa của đơn vị trúng thầu có đảm bảo hay không và liệu rằng có sự bắt tay, “ đi đêm” giữa đơn vị thực hiện và đơn vị trúng thầu?
Sau sự việc học sinh bị ngộ độc này, chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ dè dặt hơn khi cho con em mình sử dụng các sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Nutifood và điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu Nutifood.
Được biết, vừa qua công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood đã ký hợp đồng với đối tác là công ty Delori để xuất khẩu sữa qua thị trường Mỹ. Với những lùm xùm sau nghi vấn học sinh bị ngộ độc nghi do uống sữa mang nhãn hiệu Nutifood thì liệu rằng thương vụ hợp tác này có bị ảnh hưởng?
Trước đó, ngày 18/1, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã ký hợp đồng với đối tác là Công ty Delori để xuất khẩu sữa qua thị trường Mỹ. Theo đó, công ty Delori sẽ phân phối sản phẩm sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào khoảng hơn 300 siêu thị của bang Califonia của Mỹ.
Ngọc Linh