Nghịch lý tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại Vĩnh Phúc - Hình 1

Thiếu giáo viên mầm non đang là thực trạng chung tại các huyện, thành, thị của Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố do lượng người đổ về sinh sống và làm việc nhiều lên. Số lượng trẻ tăng kéo theo việc gia tăng lớp học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Chính vì vậy, việc thiếu giáo viên mầm non đã tồn tại, giờ càng bức thiết hơn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh còn thiếu 2.087 giáo viên dạy mầm non, trong đó, nơi thiếu giáo viên chủ yếu tập trung tại các huyện có mật độ dân số đông hay địa phương miền núi. Cụ thể, huyện Vĩnh Tường  thiếu 516, Yên Lạc thiếu 269, Lập Thạch thiếu 377, Tam Đảo thiếu 267 giáo viên. Tại hai thành phố Vĩnh yên và Phúc Yên, tuy không quá nhiều nhưng vẫn thiếu tới 80-90 giáo viên mầm non.

Năm học vừa qua, để khắc phục tình trạng này, các trường mầm non đã chủ động phối hợp cùng Phòng Giáo dục &Đào tạo ký hợp đồng với 581 giáo viên, nhưng vẫn thiếu gần 2.000 người. Có những địa phương chỉ ký hợp đồng được rất ít trong khi nhu cầu rất nhiều như: Tam Đảo chỉ có 10 giáo viên mầm non hợp đồng, Yên Lạc 36 hợp đồng, Bình Xuyên 45 hợp đồng.

Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 184 trường mầm non, trong đó có 1.896 nhóm trẻ với 25.712 cháu. Tỷ lệ học 2 buổi/ngày là 100%, trong khi tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp chỉ đạt 1,5. Theo quy định của Thông tư 06/2015/TTLT/BGDDT-BNV quy định tối đa 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, thì hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc thiếu khá nhiều giáo viên mầm non, nhu cầu bổ sung giáo viên là lớn và cấp thiết, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để đảm bảo chất lượng dạy và học bậc mầm non”.

Hiện trên địa bàn tỉnh, số lượng sinh viên khoa mầm non tốt nghiệp từ các trường: Cao đẳng Vĩnh Phúc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Cao đẳng mẫu giáo Trung ương… không hề ít. Đơn cử như trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, số sinh viên ngành Giáo dục mầm non tốt nghiệp trong mấy năm gần đây dao động từ 150 đến 200 người, tuy nhiên, chỉ một số lượng nhỏ sinh viên lựa chọn theo nghề mình được đào tạo (khoảng 20%) bởi nghề giáo viên thực sự vất vả, nhiều áp lực.

Một thực tế nữa là, hàng năm tại các huyện đều có chỉ tiêu biên chế ngạch giáo viên mầm non nhưng trong một vài năm gần đây, nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu do thí sinh thi không đạt. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non hợp đồng có mức lương thấp, khi tham dự thi tuyển viên chức không được hưởng chế độ ưu tiên so với thí sinh tự do cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển giáo viên hợp đồng ngày một khó khăn.

Tuyết Nhung – Hải Đăng