Tỉnh Cà Mau có gần 4.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Với ngư dân, tiền dầu là chi phí thường xuyên và chiếm phần lớn chi phí mỗi chuyến ra khơi nên giá xăng dầu tăng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Lê Văn Thiệt, chủ 3 ghe lưới kéo ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, sản lượng đánh bắt có xu hướng ngày càng giảm; thời gian qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 giá các loại hải sản cũng ở mức thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, giá dầu lại tăng liên tục, dầu diesel đã lên gần 20.000 đồng/lít thì ngư dân càng khó khăn hơn.
Theo ông Thiệt: "Lượng cá bây giờ đánh không đạt như ngày xưa. Cá bây giờ cũng rẻ. Trước đây, giá dầu 17.000 – 18.000 đồng/lít thì giá cá được hơn 20.000 đồng/kg, khiến chi phí tăng cao. Mà đánh bắt bây giờ phải có khu vực chứ đâu phải muốn đánh đâu là đánh như ngày trước, lượng cá cũng giảm nhiều. Nếu cứ đà này thì ngành khai thác biển không thể phát triển được".
Đợt điều chỉnh mới nhất vào ngày 11/2, giá xăng dầu tăng khá mạnh, đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp nên càng gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Nhiều ngư dân tại thị trấn Sông Đốc cũng chưa tiến hành chuyến biển đầu năm do lo ngại thua lỗ.
Ông Nguyễn Đình Triểu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết: "Giá dầu tăng, các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng sẽ ảnh rất lớn đến người dân trong việc khai thác, đánh bắt hải sản. Thực tế, ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Giá xăng dầu liên tiếp tăng đang là khó khăn rất cơ bản với ngư dân. Đặc biệt, đối với tỉnh có lợi thế phát triển ngành nghề đánh bắt, khai thác hải sản như Cà Mau thì ngư dân đang phải chịu tác động rất rõ.
Trước những khó khăn trong việc đánh bắt thủy sản, ngư dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu; quan tâm, hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ… để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Lê Pháp-Thanh Tuyến (T/h)