Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.872 tàu cá công suất từ 90CV trở lên, chiếm 26,5% tổng số tàu cá của tỉnh. Năm 2021, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh ước đạt khoảng gần 150 nghìn tấn. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngư dân không cao do chi phí nhiên liệu tăng cao, giá hải sản giảm.
Do trong hoạt động khai thác hải sản, nhiên liệu chiếm đến 65%, do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. Để giảm bớt chi phí do giá xăng dầu tăng, nhiều ngư dân đã kéo dài thời gian bám biển. Thậm chí, nhiều tàu cá đã nằm bờ do không đủ chi phí nhiên liệu.
Trước những khó khăn trong việc khai thác hải sản, ngư dân đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách bình ổn giá xăng, dầu; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân đầu tư cải tiến phương tiện, ngư cụ...
Đồng hành với ngư dân, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; trong đó, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox...
Chi cục cũng khuyến khích các tàu cá ứng dụng các tiến bộ khoa học trên tàu như máy tời thủy lực, đèn led; trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa…; khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động và giúp nhau ổn định đầu ra sản phẩm.
Hoài Thu