Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất Chính phủ tạm ngưng cấp phép thành lập các hãng hàng không mới đến năm 2022 để tập trung phục hồi ngành hàng không do tác động của dịch COVID-19.

Nếu điều đó xảy ra, “giấc mơ bay” của một số doanh nghiệp, trong đó có Vietravel sẽ phải tạm gác lại dù đã được chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không.

Trước đó, năm 2019 ghi nhận kỉ lục khi có tới 4 hãng hàng không xếp hàng chờ bay gồm Vietstar Airlines, Vietravel Airlines, Kite Air và Vinpearl Air. Tháng 1/2020, Tập đoàn Vingroup bất ngờ tuyên bố dừng lập Vinpearl Air.

Vietravel Airlines phải tạm gác lại kế hoạch bayVietravel Airlines phải tạm gác lại kế hoạch bay

Dù Công ty Cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tỏ ra mặn mà với hàng không khi đề xuất thành lập Hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, sẽ hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp này tập trung phục hồi du lịch và bắt tay với các hãng hiện có để chở khách của mình. Sau năm 2022, khi thị trường khôi phục hoàn toàn, lập hãng bay lúc đó cũng chưa muộn.

Hành trình gia nhập cuộc đua vận tải hàng không của Vietravel thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp này rất nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ “cất cánh”. Tuy vậy, theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Vietravel thì doanh nghiệp này đang trong tình thế chưa cất cánh đã "hụt hơi".

Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, do tác động của dịch COVID-19, hãng lữ hành này thu về gần 790 tỷ đồng doanh thu, chỉ tương đương 1/2 doanh thu cùng kỳ. Trong đó, thu từ dịch vụ du lịch lữ hành giảm từ 1.148 tỷ còn 608 tỷ đồng (giảm 47%); doanh thu bán vé máy bay giảm 33%, còn 155 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay tăng gấp 8 lần, tiêu tốn của hãng hơn 21 tỷ đồng trong quý 1.

Kết quả, Vietravel ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 38 tỷ đồng. Lợi nhuận sau khi trừ thuế kỳ này của Vietravel giảm hơn 46 tỷ đồng so với cùng kỳ, báo số âm 41,5 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không thế giới cũng như Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước có biện pháp trợ giúp các hãng hàng không.

Riêng Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo trước đó. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng dự báo.

Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển Việt Nam dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo.

 Tâm An