Từ ngày 15/1/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chính thức có hiệu lực.

Đây là một trong những thông tư được dư luận mong chờ nhất thời gian qua, và cũng từng gây tranh luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo.

Theo quy định, người dân sẽ có năm hình thức giám sát đối với lực lượng CAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Người dân có thể giám sát lực lượng CSGT khi làm việcNgười dân có thể giám sát lực lượng CSGT khi làm việc. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Bộ Công an nêu rõ, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thì nhiều nghị định, thông tư khác liên quan cũng được người dân hưởng ứng, ủng hộ.

T.Nguyễn