Khoảng 1.000 nạn nhân bị lừa khi săn mua điện thoại giá rẻ trên mạng

Thông tin trước báo chí ngày 21/2, Công an tỉnh Điện Biên cho biết, vừa bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua thủ đoạn Săn mua Iphone giá rẻ. Thông qua thủ đoạn này, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt số tiền ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn lập nhiều tài khoản trên ứng dụng Tiktok để đăng tải các video với nội dung săn iphone giá rẻ, khi bị hại có nhu cầu muốn săn điện thoại Iphone giá rẻ, các đối tượng này sẽ đưa ra các thông tin, mức phí và hứa hẹn, sau khi chuyển tiền sẽ có điện thoại mới gửi về cho các nạn nhân. Tuy nhiên, khi nạn nhân không muốn nộp tiền nữa hoặc không còn khả năng nộp thêm tiền, các đối tượng chặn toàn bộ liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

Không chỉ giăng ra các thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, các đối tượng còn có nhiều cách thức đối phó với lực lượng chức năng. Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan công an, có khoảng 1000 người là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo này, với số tiền mỗi người từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. 

Các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo qua không gian mạng bị bắt. Ảnh: Công an tỉnh Điện Biên
Các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo qua không gian mạng bị bắt. Ảnh: Công an tỉnh Điện Biên

Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Bạch Bảo Hà (SN 2001), Lê Xuân Chuẩn (SN 2002), Đặng Xuân Hinh (SN 2000), Bùi Thành Đạt (SN 2002), Bạch Long Vĩ (SN 1999), Nguyễn Hồng Sơn (SN 2001) đều có HKTT tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội; Đoàn Thu Phương Nhung (SN 2002) HKTT Trần Tế Xương, TP Nam Định, tỉnh Nam Định và Nguyễn Thị Khánh Linh (SN 2005) HKTT Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Theo Công an tỉnh Điện Biên cho biết, những đối tượng này có tuổi đời còn rất trẻ, am hiểu về công nghệ thông tin cũng có kỹ năng xã hội nên trong quá trình hỏi cung, các đối tượng vẫn loanh quanh, chối cãi toàn bộ hành vi của mình. Nhưng trước những chứng cứ cụ thể, rõ ràng, chính xác cùng lập luận sắc bén mà cơ quan điều tra đưa ra, thì toàn bộ 9 đối tượng đều phải cúi đầu thừa nhận hành vi sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin trước báo chí, Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự,  Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp cho nạn nhân chuyển tiền vào là tài khoản ngân hàng rác, sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chuyển qua tài khoản của trang đánh bạc trực tuyến và rút tiền ra để sử dụng…”.

Người dân cần cảnh giác, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu

Liên quan để thủ đoạn lừa đảo nêu trên, trao đổi trước báo chí, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân khuyến cáo: “Người dân nên lựa chọn các cửa hàng uy tín, có sự đảm bảo, rõ người rõ việc chứ không phải là tin theo những lời quảng cáo trên mạng. Không bao giờ có việc bán điện thoại với giá quá rẻ như vậy.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Người dân cần hết sức cảnh giác, để tránh mắc bẫy của các đối lừa đảo. Ảnh: Chụp màn hình
Người dân cần hết sức cảnh giác, để tránh mắc bẫy của các đối lừa đảo. Ảnh: Chụp màn hình

Trước đó, để đối phó với tình trạng lừa đảo nêu trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát đi cảnh báo: Người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. 

Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Trong bối cảnh các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này, người tham gia không gian mạng cần hết sức cẩn trọng, tỉnh táo và có ý thức tự bảo vệ, để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Tuấn Ngọc (t/h)