Hiện ở Việt Nam có hơn 60 triệu người sử dụng các mạng xã hội như một kênh giao tiếp và tìm kiếm thông tin chính, vì vậy đây cũng được coi là một thị trường màu mỡ thu hút một dòng vốn lớn từ xã hội. Có những doanh nghiệp thậm chí chi hàng tỷ đồng mỗi tháng để làm nội dung cũng như quảng cáo trên các nền tảng này. Đó là cơ hội lớn cho những người làm nội dung, người làm sáng tạo.

Hiện có nhiều cách nào để có thể kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội. "Chúng ta có thể chia thành 02 phần rõ ràng: Môt phần đó là các dòng tiền các mạng xã hội chi trả cho các nhà sáng tạo nội dung và dòng tiền thứ hai là các nhà quảng cáo sẽ trả trực tiếp cho các bạn quảng cáo cho nhãn hàng đó. Trong mỗi cái nhỏ sẽ có rất nhiều ngành nghề liên quan và đều có thể tận dụng kiếm được doanh thu", ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc Metub Network tại Hà Nội cho biết.

Theo ước tính, quảng cáo trên thương mại điện tử và mạng xã hội đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019 và chiếm 60% tổng ngân sách quảng cáo online. Tại Việt Nam chi tiêu cho hoạt động này đang ngày một gia tăng.

Tại thị trường Việt Nam, các nền tảng facebook, Youtube, Tiktok năm 2022 đã thu được hơn 2,5 tỷ USD; năm 2023, dự kiến 3,4 tỷ USD, tương đương với khoảng 80.000 tỷ đồng. Khoảng 30 - 50% doanh thu này sẽ được chia sẻ cho các nhà sáng tạo nội dung. Vì thế các nền tảng này cũng đang tạo ra hàng trăm việc làm mới.

Hiện quyết định mua sắm, chi tiêu của người dùng cũng phụ thuộc nhiều vào thông tin từ các mạng xã hội. Có tới hơn 62% người dùng coi mạng xã hội là phương tiện để tìm kiếm thông tin trước khi mua sắm. Vì vậy, dòng tiền đổ vào các mạng xã hội ngày càng lớn.

Mặc dù vậy, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều dòng tiền chảy vào các nội dung xấu, độc. Trở thành nguồn thu cho những đối tượng xấu tiếp tục sản xuất những nội dung tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội.

Trúc Mai