Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.

Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78.000 người.

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500.000 người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580.000 người.

Cụ thể, Đài Loan có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông – Châu Phi và Châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở các nước khác.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...

Trong đó, phần lớn người lao động đi làm việc ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) là những thị trường có thu nhập khá cao, khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, Châu Phi và Malaysia.

Những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định kế hoạch dự kiến khoảng 120 – 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD.

Bảo Lâm