Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, lượng kiều hối về TP. HCM tháng 10 tăng mạnh 500 triệu USD, lên 4,7 tỉ USD. Mức tăng này khá bất ngờ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới. Tính từ đầu năm đến tháng 7, lượng kiều hối chỉ đạt khoảng 3 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động ở nước ngoài mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm là điều được dự báo trước.
Ảnh minh hoạ
Thực tế, doanh số của một số công ty kiều hối ở các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... giảm, có nơi mức giảm đến 50%. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, con số kiều hối chuyển về tăng tốc và vượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Minh cho rằng, cũng có thể chính dịch Covid-19 là lý do khiến kiều hối gia tăng. Bởi người Việt Nam ở nước ngoài có thể hạn chế chi tiêu khi giãn cách xã hội, rồi gửi về hỗ trợ người thân trong nước nhiều hơn trước. Với tốc độ kiều hối chuyển về tăng như quý vừa qua, lượng kiều hối về TP. HCM năm 2020 dự kiến sẽ đạt kế hoạch đưa ra khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Do những tháng cuối năm, lượng kiều hối sẽ về mạnh hơn những tháng trong năm.
Những năm gần đây, kiều hối về TP. HCM tăng bình quân khoảng 8 - 10% hằng năm, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Úc, Đài Loan... Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn vì có lượng kiều bào khá lớn và những người này chủ yếu đi từ các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt từ TP. HCM. Chính vì vậy, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM từ trước đến nay chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 40% kiều hối cả nước. Đây cũng là một yếu tố lý giải cho lượng kiều hối quý 3 tại TP. HCM tăng hơn so với trước đến từ kinh tế nước Mỹ khởi sắc hơn.
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 3 của nước này tăng 33,1%, đây là cú đảo chiều kỷ lục sau quý 2 tồi tệ nhất lịch sử. Tăng trưởng ngoạn mục trở lại cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội trong quý trước dịch Covid-19.
Trong đó, tiêu dùng đóng góp hai phần ba GDP Mỹ đã bật tăng trở lại. Các cơ sở kinh doanh tại Mỹ mở cửa thận trọng, người tiêu dùng đã bắt đầu quay trở lại các cửa hàng, quán bar. Tỷ lệ thất nghiệp dù vẫn còn số lớn, 11 triệu người mất việc, nhưng cũng có xu hướng khả quan hơn những tháng trước đó.
Bùi Quyền