So với mức đỉnh của 3 năm rưỡi thiết lập hồi tháng 6, giá dầu ngọt nhẹ hiện đã giảm 8,8%.
Theo tờ Wall Street Journal, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên với mức giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 67,66 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu ngọt nhẹ kể từ hôm 21/6.
So với mức đỉnh của 3 năm rưỡi thiết lập hồi tháng 6, giá dầu ngọt nhẹ hiện đã giảm 8,8%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 với mức giảm 1,82 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 72,39 USD/thùng.
Giá dầu biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi các nhà giao dịch kỳ vọng rằng nguồn cung dầu gia tăng từ một số quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, bao gồm Saudi Arabia và Nga, sẽ khiến giá dầu "hạ nhiệt" sau chuỗi mấy tháng tăng mạnh từ đầu năm. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng dầu của nước này tiếp tục tăng mạnh cũng gây sức ép giảm giá.
Ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước, đạt mức 409 triệu thùng. Mức tăng này đồng nghĩa với việc tồn kho dầu thô của Mỹ chỉ còn thấp hơn 1% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này hàng năm, từ chỗ thấp hơn 5% so với trung bình 5 năm ở thời điểm cách đây 1 tháng.
Ngoài ra, mức tăng này cũng nằm ngoài dự báo của thị trường. Các nhà giao dịch và phân tích được Wall Street Journal khảo sát đã dự kiến mức giảm 2,2 triệu thùng.
Trong vòng 5 tuần trở lại đây, đã có 3 tuần tồn kho dầu thô của Mỹ tăng. Điều này gây ảnh hưởng bất lợi đến tâm lý của giới đầu cơ dầu lửa, bỏi đây là giai đoạn cao điểm trong mùa lái xe ở Mỹ và các nhà máy lọc dầu ở nước này thường hoạt động hết công suất để sản xuất xăng và dầu diesel cho xe hơi.
"Vấn đề thực sự đối với thị trường dầu lửa Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 9, khi nhiều nhà máy lọc dầu bắt đầu đợt bảo dưỡng định kỳ", ông Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của Oil Price Information Service, phát biểu. Khi đó, lượng tiêu thụ dầu của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm xuống, và tồn kho dầu của Mỹ có thể còn tăng cao hơn.
Gây sức ép giảm giá lên dầu trong phiên ngày thứ Tư còn có những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - và Nga đang tăng sản lượng khai thác dầu. Cuối tháng 6, OPEC và Nga đã nhất trí nâng sản lượng dầu thêm tối đa 1 triệu thùng/ngày, sau hơn 1 năm hạn chế sản lượng khai thác.
"Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 6", nhà phân tích Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM Oil Associates phát biểu. Cùng với đó, Nga đã nâng sản lượng lên gần 11,24 triệu thùng/ngày, mức sản lượng của nước này trước khi có thỏa thuận hạn chế khai thác".
Trong thỏa thuận giữa OPEC và Nga vào cuối năm 2016, nhóm này giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nguồn cung dầu toàn cầu. Thỏa thuận này đã giúp giá dầu phục hồi mạnh và sẽ chính thức hết hạn vào cuối năm nay.
Nguồn cung dầu tăng, cùng với phát biểu hôm thứ Hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã giúp xoa dịu những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung dầu. Trước đó, thị trường lo ngại rằng lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà Mỹ có thể sắp áp lên Iran sẽ nguồn cung dầu bị thắt chặt.
Một nhân tố nữa khiến giá dầu giảm phiên này là đồng USD mạnh lên. Chỉ số WSJ Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 16 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,1% phiên ngày thứ Tư.
Theo Vneconomy