Dòng nước suối Cái chảy qua đập tràn xã Yên Lương bị ô nhiễm, màu đen ngầu, nổi bọt (ảnh chụp ngày 2/3/2017)
Một nhà máy “đầu độc” 2 tỉnh
Theo phản ánh của cử tri huyện Thanh Sơn, những năm trở lại đây, dòng suối Cái bị ô nhiễm, nhiều người dân mắc bệnh, vật nuôi bị chết, cây trồng kém năng suất.
Suối Cái bắt nguồn từ thị trấn Đà Bắc, chảy qua xã Hào Lý, xã Tu Lý huyện Đà Bắc rồi chảy vào xã Yên Sơn, xã Yên Lương (Thanh Sơn, Phú Thọ). Nguyên nhân ô nhiễm của suối Cái là do nước thải của Chi nhánh - Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát (Nhà máy giấy Thuận Phát) đóng tại xã Hào Lý, xả thải ra thượng nguồn suối Cái (Hòa Bình) khiến người dân ở hạ nguồn (Phú Thọ) phải hứng chịu ô nhiễm.
Bà Đinh Thị Sen (khu 1, xã Yên Lương) nhớ lại: “Con suối Cái vô cùng quan trọng với dân làng chúng tôi! Ngày trước, chỉ cần ra suối, đặt cái rọ, chốc chốc nhấc lên cũng được bữa cá. Nhà nhà dùng nước suối sinh hoạt; trâu, bò uống nước suối; cây cối, đồng ruộng cũng dùng nguồn nước ấy.
Kể từ ngày Nhà máy giấy Thuận Phát hoạt động, xả thải ra môi trường, đời sống người dân bị đảo lộn, rồi bệnh tật phát sinh. Nước suối Cái bị ô nhiễm, trong nước có hóa chất tẩy trắng giấy. Loại hóa chất này độc tới mức trâu, bò uống hoặc lội qua suối cũng bị bạc hết cả bụng, có trường hợp được vài ngày thì lăn đùng ra chết; cá tôm chết sạch; ngan, vịt nuôi chậm lớn; cây trồng kém năng suất. Những hộ dân trước đây sống nghề chài lưới, đánh bắt, nay phải bỏ nghề…".
Theo nhiều người dân ở xã Hào Lý và các xã huyện Thanh Sơn, Nhà máy Thuận Phát sản xuất quanh năm, vào mùa khô, nguyên liệu sản xuất giấy dồi dào, nhà máy chạy hết công suất thì cũng là lúc con suối Cái bị “hành hạ” nhiều nhất. Nước vốn đã cạn, lại nhuốm một màu đen kịt, mùi nồng nặc. Có hôm, cả một đoạn suối Cái phủ bọt trắng như bọt xà phòng, lại có hôm nước đóng thành những mảng váng vàng sậm, mùi thối khẳm...
Anh Nguyễn Trung Kiên (xã Yên Lương) bức xúc: “Trước đây, người dân thường xuyên tắm giặt dưới suối, lấy nước suối sinh hoạt. Nhưng bây giờ tuyệt nhiên không ai dám dùng nước suối nữa. Chỉ cần lội xuống suối là về bị mẩn ngứa, nổi nốt đầy chân tay.
Thậm chí, đến việc khoan những giếng khơi, chúng tôi cũng phải đào sâu thêm hàng chục mét vì sợ nước nhiễm độc. Cuộc sống trước bình yên là thế, giờ thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bệnh tật”.
Chưa có phương án xử lý việc gây ô nhiễm
Theo anh Kiên, trung bình một tháng có từ 3-4 lần nước từ thượng nguồn suối Cái (Nhà máy giấy Thuận Phát xả thải) chảy về xã Yên Lương có màu vàng đục hoặc đen, nổi bọt. Đập tràn thuộc khu 1 và khu 2 của xã, nước suối bị ô nhiễm nặng nhất, dòng nước đen ngòm, bọt như xà phòng kéo dài nhiều ngày liền và chỉ đến khi có mưa mới trôi hết.
Cùng PV đi thực tế việc xả thải của Nhà máy giấy Thuận Phát, một cán bộ Phòng TNMT huyện Đà Bắc thừa nhận: Việc sản xuất giấy của Thuận Phát gây ô nhiễm ở suối Cái làm ảnh hướng đến cuộc sống, sản xuất của người dân, chính quyền địa phương đã biết.
Đây cũng là “điểm đen” về môi trường, gây bức xúc cho người dân sinh sống ở khu vực suối Cái thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ, kéo dài nhiều năm. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, Nhà máy giấyThuận Phát cũng chưa chưa có phương án xử lý dứt điểm việc xả thải gây ô nhiễm!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Sơn, cho biết: Thủ phạm” gây ô nhiễm suối Cái là Chi nhánh - Công ty TNHH SX&TM Thuận Phát (NM giấy Thuận Phát), tại xã Hào Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và “nạn nhân” là người dân các xã thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Chính sự tréo ngoe về mặt địa giới hành chính khiến công tác xử lý sai phạm của Nhà máy giấy Thuận Phát gặp khó khăn nhiều năm qua.
"Đã nhiều lần, huyện Thanh Sơn, Sở TNMT Phú Thọ làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình để giải quyết tình trạng ô nhiễm suối Cái. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 2 địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý. Nhà máy giấy Thuận Phát được cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cấp phép xả thải, còn việc kiểm tra lại không thuộc thẩm quyền của phía cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ. Do đó, tình trạng ô nhiễm ở suối Cái sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới", ông Tám nói.
Ông Nguyễn Khắc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TNMT tỉnh Hòa Bình) cho biết: Nhà máy giấy Thuận Phát hoạt động từ năm 2006, từ đó đến nay, sản xuất giấy trên dây chuyền công nghệ đầu tư ban đầu, hệ thống xử lý nước chưa đảm bảo, nước thải sau xử lý có màu nâu đen, vẩn đục, một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép. Nhà máy giấy hoạt động, xả thải theo cam kết môi trường, chứ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo định kỳ!
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại Nhà máy giấy Thuận Phát (ảnh chụp ngày 26/4):
Hệ thống xử lý nước thải, Nhà máy giấy Thuận Phát chưa đảm bảo, nước thải sau xử lý có màu nâu đen, vẩn đục, một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép khi xả thải ra môi trường
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Bài và ảnh:Hoan Nguyễn