Nhà sách ADC Book bán hàng lậu?
Thương hiệu & Công luận nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về việc Nhà sách ADC Book (địa chỉ 135A Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, chị H.Ng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết:
“Tôi muốn đi mua cho các cháu một ít đồ chơi để làm quà, nhưng khi đến nhà sách tôi thấy nhiều loại đồ chơi, hàng hóa không hề có tem nhãn phụ mà toàn tiếng nước ngoài. Nghi ngờ về nguồn gốc sản phẩm, tôi có hỏi nhân viên nhưng người ta nói chị cứ mua về dùng bình thường, không sao đâu.
Tôi nghi ngờ đây là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua về sử dụng nhỡ con cháu tôi bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm? Thời gian qua, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là những hàng Trung Quốc, kém chất lượng, báo đài đưa tin nhiều, nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em”.
Nhận được thông tin phản ánh, PV đã có cuộc khảo sát tại nhà sách này.
Nhà sách ADC Book bán hàng nhập lậu?
Ghi nhận tại 4 cơ sở nhà sách ADC Book (135A Trần Phú, Hà Đông; CT1A - Mỹ Đình 2, Hàm Nghi; CT4A Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai; 17T2-17T3 Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy), PV nhận thấy có rất nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại như sách, đồ chơi, dụng cụ học tập nhập khẩu từ nhiều nước… bày bán tại đây.
Trong số đó, phần lớn sản phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ, trên sản phẩm cũng không có chú thích bằng tiếng Việt, được bày bán xen lẫn những sản phẩm có nhãn phụ.
Đồ chơi được bày bán tại Nhà sách ADC Book không có nhãn phụ tiếng Việt?
PV thắc mắc về một sản phẩm hộp đồ chơi có dạng keo được bày bán tại cơ sở 135A Trần Phú (Hà Đông), vỏ sản phẩm có các dòng chữ của Hàn Quốc, nhưng không hề có bất cứ thông tin nào của nhà nhập khẩu, cũng như tem phụ bằng tiếng Việt, không dịch được tiếng trên vỏ hộp.
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, nữ nhân viên tại đây cho biết: “Đây là dạng gel tạo khối hay sao ấy chị ạ”.
Lát sau, do chưa chắc chắn với câu trả lời của mình, nhân viên lại ra quầy bán kiểm tra rồi trả lời thêm: “Là gel tạo khối, chắc để làm quà trang trí thôi chị ạ”.
Khi hỏi về đơn vị nhập khẩu, nữ nhân viên này cũng không biết từ công ty nào, chỉ biết là của Hàn Quốc vì có chữ Hàn...
Cũng theo quan sát của PV, rất nhiều sản phẩm được bày bán trong hệ thống Nhà sách ADC Book, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Trong khi những mặt hàng này chủ yếu trẻ em dùng, vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ tương lai?
Rõ ràng, việc bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán nhãn phụ, gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng. Trước hết, người tiêu dùng không nắm được nguồn gốc sản phẩm từ đâu; không hiểu rõ về thành phần, công dụng của sản phẩm. Mặt khác, khi sản phẩm không có nhãn phụ, cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quản chức năng trong công tác quản lý thị trường.
Một sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cũng không có nhãn phụ?
Liệu rằng, những món đồ trên có thực sự an toàn với trẻ nhỏ? Bởi trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ em sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ kém chất lượng dẫn đến tình trạng nguy hiểm về tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, các đồ chơi không an toàn, ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp kém chất lượng để giảm giá thành, dễ gia công, tạo hình.
Trong các nguyên liệu này, có rất nhiều chất hóa học, kim loại nặng, độc hại đối với con người. Vì vậy, khi trẻ chơi rất dễ xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc da, đường miệng làm giảm khả năng miễn dịch, suy giảm sức khỏe, thậm chí nếu tiếp xúc nhiều có thể gây bệnh ung thư, vô sinh…
Câu hỏi đặt ra: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường?
Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có ý kiến từ phía cơ quan chức năng.
Trang Nguyễn
Khoản 3, điều 9, chương I - Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định rõ: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt, phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.