Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Hội thảo về di sản với quy mô lớn vào thời điểm hội nhập như hiện nay là rất quan trọng và có ý nghĩa thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn thành phố Uông Bí làm nền tảng, động lực và nguồn lực quan trọng được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế, trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu nhận định Uông Bí là vùng đất lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời. Thành phố sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ với 31 di tích được xếp hạng và kiểm kê (trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt); 32 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình: tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian và di sản tiếng nói, chữ viết.

Uông Bí còn có truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và đồng tâm”. Con người nơi đây luôn có tình cảm bao dung, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia trình bày tham luận tại hội thảo.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia trình bày tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, Uông Bí có di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, một trong bốn "phúc địa" của Giao Châu xưa và từ hàng nghìn năm trước đã là một vùng giao thoa văn hóa sôi động. Thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn Yên Tử để tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – thiền phái riêng của người Việt.

Những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của Phật giáo Trúc Lâm đã và đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống các di tích, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Yên Tử và trên khắp vùng đất Uông Bí, là điều kiện quan trọng để xây dựng Uông Bí là “thành phố di sản”, thành phố xanh, thông minh hiện đại.

Hơn 30 tham luận được trình bày tại hội thảo đã góp phần làm rõ các nội dung quan trọng: Giá trị lịch sử - văn hoá, khoa học ẩn chứa trong kho tàng di sản văn hoá đa dạng và phong phú của thành phố Uông Bí; thực trạng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững của Uông Bí và đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của địa phương, trong đó có ngành du lịch mang sắc thái đặc trưng của thành phố Uông Bí.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Đây là lần đầu tiên thành phố Uông Bí tổ chức Hội thảo khoa học nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững, lâu dài của thành phố. Từ những kiến nghị của các nhà khoa học, thành phố sẽ có các giải pháp để đầu tư, bảo tồn, giữ gìn di sản, truyền thống văn hóa lịch sử, hoạch đinh chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế du lịch; phát huy giá trị di sản để TP. Uông Bí mang những giá trị rất riêng biệt.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang tích cực, nỗ lực cùng với tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang khẩn trương hoàn thiện và chuẩn bị các điều kiện, nội dung tốt nhất để phục vụ việc đón đoàn chuyên gia quốc tế ICOMOS sang thẩm định thực địa hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Thành phố Uông Bí được xác định là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí, vị thế và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế. Du lịch Uông Bí đang từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế là một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

Trần Trang (t/h)