Đã tối giản hoá nhiều thủ tục hành chính 

Những năm gần đây, ngành xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn từ chính sách thắt chặt của cơ quan nhà nước, giá cả nguyên vật liệu gia tăng, trong đó có cả vấn đề thủ tục hành chính. Mặc dù đã đơn giản hoá nhiều thủ tục, nhưng không thể phủ nhận, đây vẫn là những thách thức doanh nghiệp xây dựng gặp phải.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã 3 lần triển khai các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng”.

Hội nghị: “Đối thoại doanh nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.
Hội nghị: “Đối thoại doanh nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.

“Thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ tới các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính khác trong đầu tư xây dựng. Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh và một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, người đứng đầu ngành xây dựng nói.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để có được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... ngành xây dựng nhận thức rằng, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng cần phải cải cách, cắt giảm hơn nữa để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, song song vớ việc đảm bảo công tác quản lý nhà nước.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng để trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị Chính phủ và đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.

Điểm tên những khó khăn

Tại Hội nghị, Đại diện Nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI phân tích, qua đánh giá khảo sát, các doanh nghiệp đều phản ánh, còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung có liên quan. Tổng số đã có 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát; trong đó, gồm: 8.633 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.564 doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Tuấn, tổng hợp ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt và 40,9% gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư....

Cụ thể, về thời gian trong cấp giấy phép xây dựng, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày. Năm 2020, thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã giảm hơn so với kết quả của năm 2019.

Từ đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, qua nghiên cứu, đánh giá và ghi nhận ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tổng quát và nhận diện rõ ràng những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phức tạp nhất là các thủ tục về đất đai, về giải phóng mặt bằng. Sau nữa là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối cùng là thẩm định thiết kế xây dựng. Với nhiều vấn đề được đặt ra, báo cáo cũng xếp loại theo mức độ khó khăn từ thực tiễn của doanh nghiệp.

Vấn đề thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thường hay chọn vào trong khu công nghiệp. Với những khoảng cách khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu, chính là cơ sở để các đại biểu, các diễn giả và doanh nghiệp cùng thảo luận và đánh giá  nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cải thiện chính sách và góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trước thực trạng nói trên, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, còn nhiều dư địa cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung liên quan. Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tiếp tục các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022. Theo đó, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.

Trúc Mai