Năm tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng cao, đạt 638,91 triệu USD, chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số loại thủy sản của Việt Nam hiện đang chiếm thị phần đáng kể như: Cá hồi đóng hộp chiếm 48%, cá thu đóng hộp 34%, tôm đông lạnh 22%, mực đông lạnh 10%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đồng - Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là thị trường có nhu cầu cao với thủy sản, 90% thủy sản nuôi trồng, đánh bắt trong nước được tiêu thụ nội địa. Để thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần lưu ý, sản phẩm phải phù hợp các tiêu chuẩn quy định trong Luật An toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, theo đó, tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh là rất quan trọng.
"Hải quan Nhật Bản có quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, lô hàng bị phát hiện vi phạm sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại nhà xuất khẩu. Từ đó về sau, mức độ kiểm dịch được tăng cường và rất chặt chẽ với mặt hàng cùng loại và không chỉ với doanh nghiệp vi phạm mà với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Đồng nhấn mạnh.
Về hệ thống phân phối, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản - bổ sung thông tin: Hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Để trở thành nhà cung ứng cho các đối tác này, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của đối tác.
Ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý: Muốn thâm nhập sâu hơn nữa thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu những sản phẩm sẵn có mà cần nghiên cứu sản xuất loại hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản. Bao bì cũng cần bắt mắt, nhãn mác phải đầy đủ thông tin.
Ở góc độ nhà nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đại diện Công ty Senkyu chia sẻ: Doanh nghiệp hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp nếu nhà cung ứng không kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa ngay từ đầu vào. Khi có vấn đề, chi phí thu hồi, xử lý hàng rất lớn và dễ xảy ra tranh chấp.
C.H (t/h)