Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Dự thảo Nghị định này được đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.

Một kỳ thi tuyển công chức tại Bộ Nội vụ (Ảnh: moha.gov.vn)

Một kỳ thi tuyển công chức tại Bộ Nội vụ (Ảnh: moha.gov.vn)

Dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức gồm 6 chương, 83 điều. Nghị định này được xây dựng nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (1/7/2020); bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu quy định chứng chỉ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch...

So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì dự thảo Nghị định có bổ sung một số nội dung mới về tuyển dụng công chức. Đó là, trong kế hoạch tuyển dụng, xác định số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao (số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ dùng chung; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ); số lượng vị trí việc làm thực hiện việc thi tuyển riêng đối với người dân tộc thiểu số; số lượng vị trí việc làm thực hiện việc xét tuyển (nếu có) đối với 3 nhóm đối tượng (người dân tộc thiểu số; người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; người cam kết làm việc 5 năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).

Theo Bộ Nội vụ, quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bố trí công tác đối với người đạt kết quả thi nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan sử dụng nhưng cơ quan sử dụng khác có chỉ tiêu nhưng không có người trúng tuyển; đồng thời xác định rõ vị trí việc làm thực hiện xét tuyển riêng đối với từng nhóm đối tượng, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 37, Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Luật số 52/2019/QH14.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra việc rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng.

Về nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) tại kỳ thi tuyển công chức, sẽ có sự thay đổi (thi viết hoặc thi phỏng vấn hoặc kết hợp cả hai hình thức thi viết và thi phỏng vấn).

Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung nội dung quy định thực hiện rà soát để xét nâng ngạch trước, sau đó mới tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện. Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi cũng được nghiên cứu để thay đổi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Các nội dung liên quan đến quy định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ…

PV