Các ngân hàng ráo riết tuyển dụng

Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, tính đến cuối năm 2019 so với cuối năm 2018, 62,8% tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm lao động (thấp hơn tỷ lệ dự kiến 64,6% đưa ra tại cuộc điều tra tháng 6/2019); 28,4% TCTD dự kiến giữ nguyên số lượng lao động và có 8,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động. Như vậy, số lượng các TCTD có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động vẫn chiếm ưu thế.

Thời điểm này nhiều ngân hàng đang tuyển dụng nhân viên (Ảnh minh họa)Thời điểm này nhiều ngân hàng đang tuyển dụng nhân viên (Ảnh minh họa)

Tìm hiểu thị trường cũng cho thấy, trong tháng 9, một số ngân hàng đăng tuyển lao động với số lượng lớn. Chẳng hạn, HDBank tuyển dụng 1.000 vị trí ở mảng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên cả nước. Các chức danh như trợ lý quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; Trưởng bộ phận, chuyên viên cao cấp quan hệ khách hàng doanh nghiệp… 

Từ nay đến hết ngày 15/11, Sacombank dự kiến tuyển 700 sinh viên tại 46 trường đại học trên toàn quốc dành cho sinh viên năm cuối thuộc các ngành: kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, marketing, thương mại quốc tế, ngoại thương, kế toán - kiểm toán, xuất nhập khẩu…

Các vị trí tuyển dụng gồm chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, chuyên viên kinh doanh thẻ, chuyên viên tín dụng tiêu dùng, chuyên viên tư vấn và giao dịch viên. Các sinh viên được lựa chọn sẽ nhận được khoản trợ cấp trong quá trình thực tập, tuy nhiên đây là cơ hội lớn để sinh viên trải nghiệm thực tiễn, cơ hội có công việc sau khi kết thúc quá trình thực tập.

Một loạt các ngân hàng cũng lên kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trong năm nay, song thời gian qua chưa có tiến triển đáng kể nên khả năng cao cũng sẽ tập trung vào giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Chẳng hạn ACB triển khai chương trình Đối tác sự nghiệp trên toàn quốc để tìm kiếm 1.000 nhân tài cho các vị trí kinh doanh, vận hành, công nghệ thông tin trong năm nay nhưng trong 6 tháng số nhân sự lại giảm 168 người.

Nam A Bank cho biết sẽ chiêu mộ 2.000 nhân sự trên toàn quốc nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu mở rộng mạng lưới và phát triển kinh doanh các vị trí từ cấp chuyên viên đến cấp quản lý trong năm 2019 này nhưng báo cáo tài chính 6 tháng cho thấy số lượng nhân sự về cơ bản vẫn ổn định.

Cần hệ sinh thái phát triển nhân lực ngành ngân hàng

Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng khát nhân sự cuối năm do đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đặc biệt hiện nay hầu hết các ngân hàng đang mở rộng sang mảng dịch vụ nên nhu cầu lao động sẽ rất lớn. Chẳng hạn, doanh thu hoạt động dịch vụ bancassurance có xu hướng tăng trưởng tốt và được xem là "gà đẻ trứng vàng" của nhiều ngân hàng.

“Dịch vụ này tăng khả năng cạnh tranh, duy trì khách hàng và thu hút nhiều hơn khách hàng mới sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Nhà băng cũng có thể tăng doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng mua bảo hiểm. Vì thế thời gian qua nhiều ngân hàng đã tuyển dụng số lượng lớn lao động cho mảng dịch vụ này”, một chuyên gia cho hay.

Chưa kể, hiện nay cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến lĩnh vực ngân hàng. Những tác động này thể hiện trên nhiều mặt như: thay đổi về mô hình tổ chức kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ, công việc liên quan đến an ninh an toàn bảo mật.

Chuyên gia Võ Thị Phương, khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là xu hướng ngân hàng số ngày càng phát triển do đó rất cần nguồn lao động công nghệ thông tin để đáp ứng được xu hướng công nghệ số.

Hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng hiện đại, sự thu hẹp của các văn phòng giao dịch sẽ làm giảm một số vị trí việc làm tại ngân hàng như: giao dịch viên, bán lẻ… Thậm chí, một số nhóm nghề này có khả năng bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa, robot... Điều này khiến cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng bị cắt giảm, khiến tình trạng nghỉ việc, thất nghiệp tăng.

Chuyên gia Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, cũng cho rằng một trong những điểm yếu lớn của ngành Tài chính – Ngân hàng hiện nay là khan hiếm nghiêm trọng nguồn lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế…

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có hệ sinh thái phù hợp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng... cần được nghiên cứu chỉnh sửa hợp lý nhằm thu hút được nhân tài phục vụ lâu dài cho ngành Ngân hàng, không những là công việc trước mắt mà nó có ý nghĩa lâu dài trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngân hàng.

Duy Thế - Thanh Hoa